Taxi truyền thống lo bị chia địa bàn hoạt động, khoác cùng màu áo
(Dân trí) - Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội góp ý về quy chế quản lý taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó cho rằng nhiều quy định là bất khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phân vùng là "bất khả thi"
Văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội ông Đỗ Quốc Bình ký cho hay, tại quy định về tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi ghi rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi xây dựng phương án kinh doanh theo vùng trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt.
Phương án kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách… Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được đăng ký nhiều khu vực hoạt động trên mỗi vùng phục vụ. Trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng phục vụ tối thiểu 70%.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi gây khó khăn bởi lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được để phục vụ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh như: Long Biên - Gia Lâm; Hoàng Mai - Thanh Trì; Từ Liêm - Hoài Đức - Đan Phượng… thì việc phân vùng phục vụ như trên sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, hiện nay, dư luận xã hội cũng như cơ quan quản lý đều cho rằng taxi truyền thống phải giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng tỷ lệ có khách, giảm số km rỗng để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ. Thế nhưng việc phân vùng phục vụ sẽ càng làm tăng số km rỗng bởi các xe ở vùng này chở khách sang vùng kia lại phải quay về vùng của mình để hoạt động.
Ngoài ra, việc phân vùng hoạt động bắt buộc các doanh nghiệp phải tăng bộ máy quản lý, giám sát. Như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh.
“Việc quy định các xe phải hoạt động trong vùng đã đăng ký thì công tác giám sát sẽ thực hiện thế nào khi tại khoản 3, điều 5 của quy chế quy định: Từ năm 2025, thống nhất màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố?”, Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt câu hỏi.
Kiến nghị bỏ hàng loạt đề xuất
Theo quy chế quản lý taxi trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi) có kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm quản lý điều hành giao thông thành phố.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá việc sử dụng Trung tâm điều hành chung không làm chất lượng dịch vụ của taxi Hà Nội tốt hơn.
Trung tâm điều hành cũng không làm cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động taxi của thành phố tốt hơn, mà ngược lại, làm gia tăng thêm bộ máy con người, tăng gánh nặng cho ngân sách Thành phố. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách Nhà nước vào để điều hành một hoạt động thay cho doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân thì chưa có tiền lệ.
“Việc này sẽ tạo nên mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của nền kinh tế thị trường”, văn bản khẳng định.
Hiệp hội này cho rằng, không thể đảm bảo các nhân viên điều hành không có hành vi “ăn dơ” với các doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã phải có lực lượng thanh tra, giải pháp công nghệ, giám sát trực tiếp từ trung tâm điều hành đến giám đốc, các bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp để ngăn chặn việc này, vậy thành phố có xây dựng lực lượng thanh tra chuyên trách ngày đêm theo dõi hiện tượng ăn chặn này không?
“Những chi phí này do thành phố gánh chịu hay phân bổ cho các doanh nghiệp taxi? Chưa kể, các doanh nghiệp đều có trung tâm điều hành được đầu tư hiện đại, mua phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe cho hãng với giá trị lớn, thành phố sẽ giải quyết thế nào với trung tâm và ứng dụng này?”.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, quan hệ giữa các taxi và khách hàng là quan hệ trực tiếp, khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá của dịch vụ.
“Việc sử dụng trung tâm này thực chất là làm mất đi giá trị thương hiệu từ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều năm để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hệ quả là các doanh nghiệp không đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, dịch vụ taxi Hà Nội sẽ đi xuống. Từ đánh giá trên, chúng tôi góp ý bỏ quy định này”, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị.
Ngoài ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh.
Trước đó, Hiệp hội cũng có công văn nhất trí với chủ trương thống nhất các xe taxi được sơn một màu chung dưới 04 cánh cửa (Sơn 1/2 cánh cửa hai bên xe cao khoảng 30-40 cm dài dọc theo phía dưới nẹp 04 cánh cửa xe). Dù cho rằng việc làm này giúp cho Khách hàng trong nước và Quốc tế dễ dàng nhận diện Thương hiệu Taxi Hà Nội nhưng Hiệp hội cũng cho rằng, màu sơn được đồng nhất thì khách hàng sẽ rất khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của hãng taxi.
"Điều này không những ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dầy công gây dựng thương hiệu phục vụ bằng phương châm khách hàng luôn luôn đúng, gây thiện cảm, giữ chân khách sử dụng những lần tiếp theo. Các doanh nghiệp làm ăn chụp giật mặc sức tung hoành, tại các điểm đỗ taxi công cộng khách không thể nhớ, phân biệt được hãng taxi khách đánh giá có uy tín và tin dùng. Vì lẽ đó, chúng tôi kiến nghị nên trang trí logo, màu sắc riêng cho Hà Nội nhưng vẫn bảo đảm việc mầu sắc riêng đặc trưng cho mỗi doanh nghiệp", Hiệp hội kiến nghị.
Phương Dung