Taxi đi Nội Bài 180.000 đồng: Tung chiêu hạ giá tranh khách
Sân chơi taxi sân bay đang có nhiều ưu thế với các hãng truyền thống sau khi Uber chính thức rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, khách hàng phải trả với chi phí cao hơn nhiều so với trước, kể cả đi taxi hay Grab.
Cuộc đua về giá
Sau khi Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, các hãng taxi đã bớt đi một đối thủ nặng ký trong cuộc đua giá cước sân bay. Hiện, đi sân bay chỉ còn lại một số hãng taxi nhượng quyền vận chuyển tại sân bay và Grab. Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh vẫn đang diễn ra khá khốc liệt.
Với chiều lên Hà Nội - Nội Bài, các hãng đang đưa ra mức giá khá hấp dẫn, trung bình từ 180.000-220.000 đồng. Taxi123 tung ra gói cước 145.000 đồng cự ly 16 đến 26 km, chưa bao gồm phí vào bãi, từ km 27 trở lên tính thêm 8.000 đồng/km.
Taxi ABC trọn gói 180.000 đồng trong vòng 30km, giá cước đã bao gồm phí cầu đường, bến bãi; với dòng xe 7 chỗ, mức giá cước là 200.000 đồng. Tương tự như vậy, taxi Thành Công và Mai Linh cũng có mức giá khởi điểm cho chiều Hà Nội - sân bay là khoảng 180.000 đồng, với các quận nội thành.
Trong khi đó, khi đặt trên ứng dụng Grab, từ quận Đống Đa tới sân bay Nội Bài, mức giá hiển thị trên ứng dụng là 256.000 đồng, cao hơn hẳn taxi truyền thống.
Đắt nhất vẫn là chiều về Nội Bài - Hà Nội khi các hãng taxi áp dụng cước phí tính theo km. Còn Grab có mức giá trung bình từ 280 trên 300 nghìn đồng, tùy theo thời điểm và chưa bao gồm phí bến bãi. Như vậy, hiện nay so với giá của Uber trước đó, các hãng taxi và Grab đều cao hơn.
Nếu đặt trực tiếp với lái xe không qua hình thức gọi tổng đài hoặc ứng dụng thì mức cước hợp lý hơn khoảng 200.000 đồng chiều lên sân bay và 250.000-300.000 đồng chiều ngược lại
Khi còn lại tồn tại ở Việt Nam, Uber chiếm ưu thế ở chiều Nội Bài - Hà Nội khi mức giá trọn gói là 265.000 đồng. Trước đó, Uber đã từng phá giá thị trường khi bất ngờ công bố mức giá chỉ 150.000 đồng chiều đi sân bay và 220.000 đồng chiều về, gây sốc cho hàng loạt hãng taxi.
Theo lý giải của đơn vị này, việc giảm giá cước xe ô tô sân bay nhằm mục đích có thêm nhiều khách hơn cho lái xe. Tuy nhiên, sau đó các lái xe đồng loạt phản đối, từ chối khách nên hầu như mức giá lên sân bay 150.000 đồng chỉ một số khách nước ngoài đặt được do lái xe không thể từ chối thẳng thừng.
Hết thời giá rẻ
Mặc dù các hãng quảng cáo mức giá sân bay hấp dẫn, nhưng thực tế, nhiều khách hàng phải trả mức phí cao hơn do cộng thêm do số km vượt trội. Anh Nguyễn Mạnh Tùng, một khách hàng ở Linh Đàm, cho hay, nếu như trước đây, anh có thể đặt xe dễ dàng ra sân bay từ ứng dụng của Uber thì nay, anh phải gọi điện đặt trước nhiều giờ nếu không sẽ khó có xe.
Bên cạnh đó, mức giá cũng tăng so với trước, trung bình chiều đi khoảng 250.000 đồng, còn chiều ngược lại lên tới trên 300.000 đồng nếu dùng Grab, còn taxi truyền thống tính theo km sẽ phải chịu chi phí hơn 400.000 đồng.
Bên cạnh mức giá, anh Tùng còn phản ánh về chất lượng xe không được như Uber trước đây. “Hầu hết xe taxi truyền thống đều đã khá cũ, còn đi Grab toàn xe nhỏ, thiếu chuyên nghiệp mà mức giá lại cao hơn”, anh Tùng nhận xét.
Để tiết kiệm chi phí đi lại, anh Tùng phải chấp nhận đi xe bus, giá chỉ 30.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, thời gian đi lại sẽ mất nhiều hơn.
Tương tự như vậy, chị Nguyễn Thu Cúc (Ba Đình, Hà Nội) lại chọn cách đi chung xe để giảm chi phí. Trước khi đi, chị có lên mấy nhóm chung xe để đặt, cước phí rẻ hơn nhưng bất tiện sẽ phải đi chung với nhiều người.
Còn phía lái xe phản ánh, khi Uber rời thị trường, thu nhập của họ cũng không tăng nhiều do nhiều khách từ bỏ đặt xe qua ứng dụng, đi bằng taxi về trung tâm. Để bám trụ được ở sân bay, họ phải tham gia thêm vào các nhóm xe và tổng đài để mua thông tin khách hàng.
Theo Nam Hải
Vietnamnet