Tập đoàn Viettel đổi tên: Khi tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ

Đầu năm 2018, Viettel có tên mới – Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Chữ “Công nghiệp” được thêm vào cái tên cũ không phải là điều bất ngờ bởi đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài dựa trên tầm nhìn và liên tục mở rộng khái niệm lĩnh vực lõi của mình.

Đầu tư quốc tế không chỉ để kinh doanh viễn thông

Khi Viettel bắt đầu kinh doanh thành công với dịch vụ viễn thông đầu tiên – VoiP 178, rất ít người nghĩ tới ngày công ty này sẽ bước chân vào lĩnh vực thông tin di động. Đây là đặc quyền của 2 nhà mạng lớn, thống trị thị trường lúc đó là MobiFone và VinaPhone (cùng thuộc VNPT).

Thế nhưng, khi mà dịch vụ VoiP 178 vẫn là con gà đẻ trứng vàng thì Viettel đã quyết định phải bước chân vào lĩnh vực di động bởi lãnh đạo tập đoàn luôn tin rằng “cái gì tốt sẽ không tốt mãi”. Điều này cũng lại được tập đoàn tiếp tục áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh di động.


Lĩnh vực nghiên cứu sản xuất đem lại cho Viettel khoản lợi nhuận 5.000 tỷ đồng năm 2017, bằng với tổng lợi nhuận của một tập đoàn Nhà nước lớn khác trong cùng năm

Lĩnh vực nghiên cứu sản xuất đem lại cho Viettel khoản lợi nhuận 5.000 tỷ đồng năm 2017, bằng với tổng lợi nhuận của một tập đoàn Nhà nước lớn khác trong cùng năm

Ngay sau khi kinh doanh ở thị trường viễn thông Việt Nam chưa được 2 năm, nhiều người nói rằng, khi ấy thị trường trong nước vẫn còn là một miếng bánh lớn thì tập đoàn của quân đội đã nghĩ tới một sân chơi mới rộng lớn hơn và chưa từng có doanh nghiệp Việt Nam nào thực hiện trước đó – đầu tư mạng viễn thông ở nước ngoài.

Sau khi thành công vượt bậc ở những thị trường Đông Nam Á như Lào, Campuchia với vị thế số 1 về thị phần, doanh thu chỉ sau 2 năm, Tập đoàn Viettel quyết định vươn mạnh sang những nước rất xa như Haiti, Mozambique… Từ chỗ chỉ là một công ty viễn thông bé xíu trong nước, giờ đây tập đoàn đã có thị trường quốc tế lên tới 10 quốc gia, trong đó có cả những đất nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn cả Việt Nam - Peru (GDP đầu người gấp 3 lần).

Trong 10 thị trường quốc tế, Viettel đứng số 1 về thị phần viễn thông tại 5 thị trường. Đặc biệt tại Peru, quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, Viettel đã kinh doanh có lãi và Peru chiếm tới 40% tổng lợi nhuận từ nước ngoài của Viettel.

Trong lần tới Đà Nẵng dự APEC 2017, Tổng thống Peru – ông Pedro Pablo Kuczinski nhận xét về công ty đến từ Việt Nam: “Ở Peru, chúng tôi đang chứng kiến một công ty điện thoại di động rất xuất sắc (Bitel của Viettel) mà 5 năm trước đây chúng tôi còn không biết họ là ai”.

Lý giải cho việc đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nước ngoài, đại diện Viettel cho biết: “Đó không chỉ là thị trường viễn thông mà là thị trường cho rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác mà chúng tôi sẽ phát triển trong tương lai. Đặc biệt, với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, thị trường mới là nhân tố quyết định chứ không phải vốn hay công nghệ, kinh nghiệm”.

Nghiên cứu sản xuất: Chân trời mới

Và với thị trường 320 triệu dân hiện tại (11 quốc gia, bao gồm Việt Nam), Viettel đã tự tin bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Đây là lĩnh vực rất ít công ty trong nước dám làm vì khó khăn. “Nhưng nếu không bước chân vào lĩnh vực này, chúng ta rất dễ mắc phải bẫy thu nhập trung bình”, đại diện Viettel nhận xét.

Xuất phát từ một công ty viễn thông, vì thế không quá khó hiểu khi Viettel lựa chọn nghiên cứu, sản xuất máy điện thoại di động, thiết bị thông tin liên lạc quân sự là những bước đi đầu tiên.


Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công thiết bị 4G, đồng thời đưa vào lắp đặt trong hạ tầng mạng ở Việt Nam cũng như quốc tế

Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công thiết bị 4G, đồng thời đưa vào lắp đặt trong hạ tầng mạng ở Việt Nam cũng như quốc tế

Đến nay, tập đoàn đã sản xuất thành công thiết bị 4G (trạm BTS) và đưa vào mạng lưới tại Việt Nam cũng như quốc tế, các tổng đài chuyển mạch 3G, tổng đài tin nhắn ngắn... Đây là những sản phẩm công nghệ cao mà trước đây hoàn toàn do nước ngoài cung cấp.

Đặc biệt, trong năm 2017, Viettel đã thử nghiệm và chế tạo thành công hệ thống tính cước theo thời gian thực (vOCS 3.0) – sản phẩm được coi như Core Banking của mạng viễn thông nhưng có quy mô và độ phức tạp lớn hơn nhiều lần.

Hệ thống của Viettel có dung lượng tối đa lên tới 24 triệu đầu số/site – lớn nhất thế giới (hệ thống lớn nhất hiện nay mới chỉ đạt 12 triệu đầu số/site). Chưa hết, vOCS 3.0 của Viettel còn có khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt, điều chưa một nhà mạng nào trên thế giới thực hiện được.

Tương lai không nằm trên con đường kéo dài của quá khứ

Với lĩnh vực quân sự, những sản phẩm công nghiệp quốc phòng được Viettel chế tạo thành công lần lượt ra đời như các loại máy thông tin quân sự, rồi hệ thống bảo vệ cảnh giới vùng trời (sản phẩm khiến cả kỹ sư người Israel cũng phải ngạc nhiên), hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến điện tử, rada cảnh giới tầm trung…

Năm 2017, tập đoàn còn sản xuất thành công ra-đa cảnh giới bờ có tính năng chiến – kỹ thuật tương đương dòng Score 3000 của khối NATO.

Tất cả những thành quả trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất nói trên không nằm trên đường ray kéo dài của những thành công ở mảng vận hành, khai thác mạng viễn thông trước đây. Đó là những con đường mới mà Viettel tự khai phá theo đúng tư tưởng “tương lai không nằm trên con đường kéo dài của quá khứ”.


Viettel đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao mà khởi đầu là máy thông tin quân sự rồi tiếp đến là hệ thống bảo vệ cảnh giới vùng trời, ra-đa cảnh giới bờ…

Viettel đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao mà khởi đầu là máy thông tin quân sự rồi tiếp đến là hệ thống bảo vệ cảnh giới vùng trời, ra-đa cảnh giới bờ…

Cũng nhờ đó, chỉ riêng mảng nghiên cứu sản xuất, doanh thu của Viettel từ con số 0 giờ đã tăng lên 12.500 tỷ đồng (năm 2017) và đạt lợi nhuận tới 5.000 tỷ đồng – bằng với tổng lợi nhuận của một tập đoàn Nhà nước lớn khác trong cùng năm.

Mục tiêu của Viettel đến năm 2020, phải xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự của tập đoàn đạt 1 tỷ USD.

Năm 2018, khi Viettel có tên mới “Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội”, thực chất thành tố “Công nghiệp” được thêm vào đã được đơn vị này chuẩn bị trước đó rất nhiều năm khi mảng viễn thông vẫn phát triển mạnh.

Giờ đây, thành tố “Công nghiệp” với mục tiêu Tổ hợp công nghiệp quốc phòng vào Top 100 thế giới của Tập đoàn Viettel đang vào guồng nhưng câu chuyện “tương lai không nằm trên con đường kéo dài của quá khứ” sẽ luôn không bao giờ cũ ở Viettel.

Nguyễn Tuấn