Tập đoàn dầu khí đang "vi phạm" luật!

(Dân trí) - Do phải gia tăng trữ lượng dầu khí, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch của Chính phủ giao cũng như đáp ứng gần 30% nguồn thu ngân sách, Tập đoàn dầu khí đang buộc phải vi phạm luật và sẽ tiếp tục vi phạm nếu luật Dầu khí không được sửa đổi.

Xung quanh vấn đề này, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT - Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bà nói Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang "vi phạm" luật nghĩa là thế nào?

Với việc áp dụng luật Dầu khí hiện nay, doanh nghiệp sẽ có nhiều hoạt động “vi phạm” luật. Cụ thể, theo luật Đấu thầu, các hợp đồng dịch vụ dầu khí (như cho thuê giàn khoan, tàu chứa…), có phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam trên 30% sẽ phải đấu thầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thế giới trong 3 năm qua đã liên tục tăng “dựng đứng”; dẫn đến việc từ khi lập đầu bài mời thầu đến chào thầu rồi chấm thầu, giá đã thay đổi rất nhiều, vượt giá gói thầu.

Trong khi đó, theo quy định của luật Đấu thầu, doanh nghiệp phải chào lại giá, sửa dự toán… rất lòng vòng và không thể thực hiện được, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh…

Một vấn đề nữa là khi giá dầu tăng mạnh như vậy, người ta sẽ tăng cường đầu tư dịch vụ, tìm kiếm các mỏ dầu. Điều đó đã khiến thị trường cung ứng dịch vụ dầu khí rất căng thẳng.

Bởi vậy, cho dù theo quy định của luật Đấu thầu là phải có bảo lãnh dự thầu nhưng trên thực tế, các hợp đồng dịch vụ đã phải “bỏ qua” khâu bảo lãnh đấu thầu, không tuân thủ theo luật…

Với thị trường cung ứng dịch vụ dầu khí căng thẳng như vậy, giải pháp của các nhà thầu dầu khí hiện nay là gì?

Hiện nay, chúng ta có 39 hợp đồng dầu khí đều có yếu tố đầu tư nước ngoài đang hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam. Trước tình hình thị trường cung ứng dịch vụ dầu khí nóng bỏng như vậy, các nhà thầu dầu khí buộc phải chọn giải pháp ký liên hoàn với các nhà cung ứng dịch vụ, thậm chí còn vay vật tư của nhau để bảo đảm tiến độ công việc.

Rõ ràng, đang có những bất cập về tính khả thi về hành lang pháp lý trong hoạt đông dầu khí. Vậy dự thảo luật Dầu khí được điều chỉnh như thế nào, thưa bà?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dầu khí nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tập đoàn Dầu khí đã kiến nghị đưa điều khoản đấu thầu vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dầu khí, trong đó ghi rõ: "Chính phủ quyết định việc đấu thầu và ký kết hợp đồng dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến tìm kiếm và thăm dò, khai thác dầu khí; không thực hiện theo luật Đấu thầu".

Được biết, theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đang trình Quốc hội lần này, có một số ý kiến đưa thuế của ngành dầu khí theo mức giảm chung là từ 28% xuống 25%. Ý kiến của bà về vấn đề như thế nào?

Theo tôi, không nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là siêu lợi nhuận. Trữ lượng dầu tìm thấy ở Việt Nam tuy chưa phải là lớn nhưng khả năng tìm thấy dầu là rất cao. Và quan trọng là ngành dầu khí đang đóng góp gần 30% nguồn thu ngân sách hàng năm của nhà nước.

Bởi vậy, chúng ta nên giữ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức cũ là 50% đối với các hợp đồng khai thác dầu khí bình thường và 32% với các hợp đồng khai thác ở khu vực khó khăn, cần khuyến khích đầu tư. Còn nếu giảm thì trước việc hội nhập WTO, chúng ta sẽ bị thiệt rất nhiều.

Xin cám ơn bà!

Lan Hương