1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tạo dựng thành công bằng sự khác biệt

Với sự năng động và lợi thế là “điểm tựa” từ ngân hàng “mẹ” Techcombank, năm 2016, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) đã vươn lên giành vị trí thứ 2 thị trường về doanh thu và lợi nhuận.

TCBS là một trong ba công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường về doanh thu và lợi nhuận, là công ty chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trên 50% và được tạp chí Alpha Southeast Asia trao tặng Nhà tư vấn trái phiếu tốt nhất Việt Nam. Đâu là những yếu tố giúp TCBS đạt được những thành tích đáng nể này.

Nhân sự kiện này, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCBS.


 Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCBS.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCBS.

Thưa ông, TCBS tham gia thị trường mới 3 năm, nhưng đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ông có thể chia sẻ những thế mạnh đã giúp TCBS bứt phá thời gian qua?

Tôi cho rằng, quan trọng nhất là yếu tố khách hàng, tính ưu việt của sản phẩm và tất nhiên là cả thị phần. Xét về thị phần, TCBS đứng thứ 2 thị trường về doanh thu và lợi nhuận chỉ sau Công ty Chứng khoán Sài gòn (SSI). Riêng lĩnh vực tư vấn phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp TCBS duy trì vị thế dẫn đầu với hơn 50% thị phần.

Đầu năm 2016 vừa qua, TCBS là công ty chứng khoán trong nước đầu tiên có thể tư vấn cho một doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, nhưng được bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức quốc tế Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp mà TCBS tư vấn phát hành không chỉ phân phối cho nhà đầu tư tổ chức mà còn được cấu trúc để bán cho khách hàng cá nhân, ví dụ như sản phẩm trái phiếu TCBond với lợi tức vượt trội và thanh khoản linh hoạt đã nhận được chào đón rất tốt từ thị trường.

Ông đã nhắc đến TCBond, một trong những sản phẩm khá thành công của TCBS dành cho khách hàng cá nhân. Những thách thức của TCBS khi thiết kế sản phẩm này là gì, thưa ông?

Trước đây, người mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. Điểm yếu của khách hàng cá nhân là khả năng phân tích doanh nghiệp. Vì thế, trách nhiệm của TCBS là phải cung cấp báo cáo phân tích, tổng hợp thông tin về những doanh nghiệp dự định phát hành trái phiếu cho khách hàng. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng là một vấn đề TCBS phải tính đến. Giải pháp là niêm yết các trái phiếu doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán là tạo thuận lợi để khách hàng có thể chủ động giao dịch. Giải pháp này giúp tăng thanh khoản và doanh nghiệp niêm yết trái phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư cá nhân biết tới.

Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hơn 3.200 khách hàng cá nhân tham gia với hơn 8.000 tỷ đồng sản phẩm TCBond. Nhờ đó, TCBS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, với thị phần quý II/2016 đạt 75,8%, cao hơn mức 60,6% trong quý I/2016.

Ngoài các yếu tố trên, Techcombank cũng là một trong những “điểm cộng” của TCBS. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về “trợ lực” quan trọng này?

Là công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của Techcombank, uy tín và mạng lưới khách hàng sâu rộng từ ngân hàng là lợi thế ban đầu của TCBS. Khách hàng của Techcombank hiện nay có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn. Nhu cầu của họ không chỉ là nghiệp vụ chứng khoán hay nghiệp vụ ngân hàng riêng rẽ mà là sự kết hợp nhiều dịch vụ đầu tư và tài chính khác nhau. Do đó, sự kết hợp giữa công ty chứng khoán – ngân hàng tạo được lợi thế vượt trội so với các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán khác khi chỉ “độc canh” một mảng kinh doanh.

Lợi thế đó đã đưa TCBS là một trong ba công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường và là công ty chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trên 50%. Qua đó, công ty đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng Techcombank. Cụ thể, trong năm 2015, TCBS đóng góp khoảng 23% tổng doanh thu và 27% tổng lợi nhuận toàn ngân hàng, chủ yếu là thu nhập từ phí.

TCBS đã đi đúng hướng và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tham vọng muốn chinh phục trong thời gian tới. Vậy tham vọng đó là gì, thưa ông?

Với mục tiêu đạt 5 tỷ USD vốn hóa thị trường của Techcombank giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), TCBS đang kỳ vọng đóng góp 1 tỷ USD vào mục tiêu chung, điều này đòi hỏi TCBS cần phải nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Minh thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm