TP.HCM:
"Tăng trưởng không theo kịp lạm phát"
(Dân trí) - "GDP tăng 9,9% nhưng lạm phát 11,6% thì nghĩa là vẫn không tăng và còn nguy hại hơn cả lúc suy thoái kinh tế. Đây là con số đáng báo động cho kinh tế của TPHCM", một số đại biểu HĐND bày tỏ lo lắng.
Chiều 13/7, các đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII tiến hành thảo luận theo nhóm. Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề đang “nóng hổi” đó việc kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của TPHCM được các đại biểu đánh giá là đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu, thiết thực, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Điểm mới của chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 của thành phố là cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt, phù hợp hơn theo diễn biến thị trường.
Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng cần có biện pháp đột phá để vực dậy kinh tế thành phố
Đến nay thành phố đã có 3.487 điểm bán hàng bình ổn của 37 doanh nghiệp tham gia chương trình. Trong đó, có 21 doanh nghiệp lương thực thực phẩm với 2.498 điểm bán; 10 doanh nghiệp phục vụ mùa khai giảng với 362 điểm bán; 4 doanh nghiệp dược phẩm và 325 nhà thuốc đạt chuẩn GPP tham gia; 2 doanh nghiệp sữa với 302 điểm bán.
Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán đúng theo giá đăng ký được phê duyệt, thấp hơn thị trường ít nhất là 10%.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần phải có hành động cụ thể hơn nữa để chương trình đến với người dân vùng sâu, vùng xa và minh bạch trong khâu khám chữa, kê đơn thuốc và bán thuốc theo diện bình ổn giá...
Đại biểu Nguyễn Thành Nhân (tổ 16, Q.Bình Tân) cho rằng nên thống nhất cách truyền thông sao đó để có sự đồng thuận chung và người dân hiểu hơn về giá trị thiết thực của chương trình này. Tuy nhiên, không nên xem chương trình bình ổn giá là biện pháp để kiềm chế lạm phát. Bình ổn giá nhưng cũng nên có phản ứng điều chỉnh giá linh hoạt".
Đại biểu Nhân cũng đề nghị cần chú trọng đến việc tạo ra nguồn hàng. "Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam như Vissan là không nhiều, hàng nước ngoài vào là chủ yếu. Do vậy, cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mặt hàng để bình ổn giá”, đại biểu Nhân nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện người dân ở khu vực ngoại vẫn còn rất nhiều chưa tiếp cận được hàng bình ổn. Sở Công thương đã làm khá tốt về các kênh phân phối lương thực, thực phẩm nhưng việc Sở Y tế quản lý các điểm bình ổn mặt hàng thuốc tây còn chưa chặt chẽ.
Đại biểu Phạm Hữu Nghĩa (P.12, Q.11) cho rằng, bác sĩ mà kiêm luôn bán thuốc thì làm sao minh bạch được. ”Lỡ ông bác sĩ kê toa không có thuốc trong danh mục hàng bình ổn mà kê thuốc ổng đang bán thì sao?. Kênh phân phối hàng bình ổn hiện tại không bằng những chị bán gánh. Những chị này đến tận nhà và bán cái người ta cần chứ không phải án cái chị ta đang có”, đại biểu Nghĩa góp ý.
Đại diện Sở Công thương cho biết, chương trình bình ổn năm nay có thêm mặt hàng thủy hải sản. Tập trung mở rộng kênh phân phối tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, ký túc xá... nơi có nhiều công nhân, sinh viên đang làm việc, học tập. Các mặt hàng thuốc, sữa bột, các mặt hàng thiết yếu phục vụ mùa khai giảng năm học 2011 – 2012 cũng sẽ được bổ sung.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biêt sẽ đẩy mạnh chương trình
bình ổn giá đến với người dân vùng sâu, vùng xa
Ngoài ra, trong buổi thảo luận, các vấn đề về nước sạch, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em… cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, GDP tăng 9,9% nhưng lạm phát 11,6% thì nghĩa là vẫn không tăng và còn nguy hại hơn cả lúc suy thoái kinh tế. Đây là con số đáng báo động cho kinh tế của TPHCM. Cần có biện pháp đột phá để vực dậy tình hình kinh tế thành phố.
Phát biểu tổng kết các ý kiến của đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, trong thời gian tới, thành phố tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, bảm đảm mục tiêu tăng trưởng phù hợp.
Ngày mai, sẽ diễn ra phiên chất vấn của các đại biểu với lãnh đạo Sở Y tế và Sở Công thương.
Công Quang