1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tăng trưởng 6 tháng có dấu hiệu chững lại, do đâu?

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại so với tốc độ của cùng kỳ năm trước, theo một số chuyên gia nếu tình hình không cải thiện trong 6 tháng cuối năm, rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Chính phủ đã đề ra.

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2016 như Chính phủ đề ra (là 6,7%), cơ quan này đang xây dựng các kịch bản cho tăng trưởng, trong đó có tăng cường khai thác dầu thô, trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp.


Tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại trong 6 tháng đầu năm, đe dọa bất ổn về ngân sách và việc làm

Tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại trong 6 tháng đầu năm, đe dọa bất ổn về ngân sách và việc làm

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải: Năm 2015 con số sản lượng dầu thô dự kiến khai thác là 14,7 triệu tấn nhưng trên thực tế khai thác được 16,8 triệu tấn, vượt so với kế hoạch hơn 2 triệu tấn. Chính vì thế đã đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2015.

Năm 2016, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP như Chính phủ đề ra là 6,7%, kịch bản tính đến là phải tăng khai thác dầu thô lên 2 triệu tấn so với kế hoạch 14,02 triệu tấn đề ra.

“Dầu thô là một giải pháp tham mưu thêm cho tăng trưởng kinh tế vì tới đây, các bộ ngành sẽ tiếp tục thảo luận các giải pháp khác. Giá dầu thô hiện đã tăng trở lại, đây cũng là yếu tố để Chính phủ cũng như Tập đoàn dầu khí nghiên cứu về kế hoạch này”, ông Lâm nói.

Nhận xét về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chậm lại, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành là do: nhiều vùng của nước ta gánh chịu thiên tai, dịch bênh: miền Bắc ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt kéo dài; tình trạng ngập lụt - xâm ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long; hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chính sách kinh tế gây ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có chính sách điều chỉnh lãi suất; thông tư về siết chặt tín dụng vào bất động sản...

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nền kinh tế tác động gián tiếp từ thay đổi bộ máy Chính phủ mới, nhiều chính sách mới, cách quản lý mới và quy định mới được đưa ra. Do đó, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nín thở, trông chờ và nghiên cứu để đưa ra những chiến lược phù hợp cho phát triển của mình. Độ trễ chính sách cũng tác động đến tăng trưởng thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì lo ngại nền kinh tế đang tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh doanh khi con số 36.600 DN đóng cửa trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn gần 5.000 DN so với cùng kỳ năm trước.

“Con số DN phá sản trong 6 tháng qua cao hơn cùng kỳ năm trước, điều đó cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam có sự cải thiện chậm, đặc biệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa, khởi nghiệp, khu vực tư nhân còn hạn chế. Những chính sách ràng buộc, trói chân DN vẫn còn tràn lan tại các Thông tư của Bộ, ngành....”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, bà Lan lý giải: "Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, tồn kho cao, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích tăng mạnh, nhập khẩu mặt hàng từ hoa quả, hàng tiêu dùng, nông sản và thực phẩm.... ở nước ngoài về nhiều trong khi Việt Nam thừa khả năng sản xuất được mặt hàng này. Điều đó dấy lên quan ngại sâu sắc về việc nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất của Việt Nam đang chịu cạnh tranh quyết liệt về thị trường, thị phần ngay trên sân nhà với các đối thủ nước ngoài. Cuộc tranh luận này còn tiếp tục gây khó khăn và sức ép lớn đối với tất cả các ngành sản xuất khác thời gian tới".

Nguyễn Tuyền