Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: “Lợi ích quốc gia” tính toán thế nào?

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vừa giúp tăng thu cho ngân sách vừa giúp hạn chế tình trạng buôn lậu. Còn vấn đề lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng sẽ được tính toán thấu đáo khi có đề xuất mức tăng thuế cụ thể sau này.

Đại diện Bộ Tài chính dẫn ra nhiều lợi ích khi tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu
Đại diện Bộ Tài chính dẫn ra nhiều lợi ích khi tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều nay (3/6), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo quy định, việc quyết định khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Hiện khung thuế BVMT với mặt hàng xăng đang là 1.000 đồng - 4.000 đồng/lít và Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ báo cáo với Quốc hội để tăng khung thuế suất này lên 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít.

Đề cập đến vấn đề “lợi ích quốc gia” khi xem xét thuế BVMT với xăng dầu, Thứ trưởng Hà cho hay: Bộ Tài chính thấy rằng, đây là một khoản thu làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Khi thu được khoản này sẽ tạo điều kiện để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đặt trong bối cảnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 0%.

Hơn nữa, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đang được đánh giá ở mức thấp nhất so với các nước khác có chung đường biên giới. Do đó, theo Thứ trưởng Hà, việc tăng thuế BVMT cũng là một trong những biện pháp giúp quản lý mặt hàng xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu.

Vấn đề xem xét đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tác động chung đến lạm phát sẽ được tính toán thấu đáo cụ thể khi điều chỉnh mức thuế suất thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu sau này.

Trước đó, Bộ Tài chính dẫn thông tin từ bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8/5 cho biết, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93).

Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam (giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Petrolimex) cập nhật đến ngày 8/5/2017 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Singapore là 16.528 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít, Hồng Kông là 27.231 đồng/lít.

Trong khi đó, tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83,%, Thái Lan khoảng 67%).

Trả lời phóng viên Dân Trí liên quan đến một số văn bản giả mạo công văn của Bộ Tài chính thời gian gần đây, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, khi phát hiện, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để điều tra, làm rõ vụ việc. Hiện nay, cơ quan công an đang tiến hành điều tra.

Bích Diệp