Tăng rủi ro nếu giao Quỹ Bình ổn xăng dầu cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Theo các quan chức Kiểm toán và Ủy ban Kinh tế, thay vì đặt Quỹ bình ổn xăng dầu trong doanh nghiệp thì nên để độc lập, hạn chế được rủi ro, sai sót và tăng tính minh bạch, từ đó mới tạo được lòng tin từ nhân dân.

Tăng rủi ro nếu giao Quỹ Bình ổn xăng dầu cho doanh nghiệp - 1
Họp báo Công bố Kế hoạch Kiểm toán năm 2012 (ảnh NM).

Trong buổi họp báo công khai sáng nay (9/2), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Lê Minh Khái cho biết, hiện cơ quan này đã có đánh giá về Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) trong năm 2011 vừa qua.

Nhìn chung các đơn vị trích lập và sử dụng quỹ theo đúng Nghị định 84 về quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, có một số đơn vị sau khi kiểm toán cho thấy có điều chỉnh số liệu, trích lập không đủ, sử dụng chưa đúng.

Đại diện KTNN cũng khẳng định, số liệu chênh lệch là không đáng kể và nhìn chung không có sai phạm lớn.

Theo nhìn nhận của KTNN, đến nay quỹ BOG vẫn còn một số bất cập.

Chẳng hạn, việc trích lập quỹ thường đưa ra con số tuyệt đối trong giá cơ sở, nếu trường hợp doanh nghiệp có lãi thì bình thường, nhưng “nếu với trường hợp doanh nghiệp lỗ mà vẫn trích thì hình thành quỹ ảo, không hợp lý” - ông Khái cho hay.

Khẳng định sự tồn tại của Quỹ BOG là cần thiết nhưng ông cũng lưu ý, quỹ phải được sử dụng công khai minh bạch và hiệu quả đồng tiền, “chứ đêm quỹ đó đặt vào trong một tài khoản đóng băng thì hạn chế hiệu quả đồng vốn”.

Đồng thời, về vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là “quỹ BOG nên để doanh nghiệp quản lý hay để ở đâu thì hiệu quả?”, ông cho rằng, “nếu để doanh nghiệp quản lý, sử dụng thoải mái thì lại có thể xảy ra những sơ suất, rủi ro lớn”.

Lãnh đạo KTNN kiến nghị phải có một nghiên cứu cụ thể, làm thế nào đảm bảo chặt chẽ quỹ này, giúp bình ổn giá, kiềm lạm phát và sự cân đối cho doanh nghiệp.

Trao đổi ngoài lề buổi họp báo, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói: “Theo ý kiến riêng tôi thì phải trích ra một quỹ riêng. Quỹ này không nằm trong doanh nghiệp thì tốt hơn, lúc đó, tính minh bạch sẽ cao hơn và như vậy mới tạo được niềm tin trong nhân dân”.

Còn "số phận" của Quỹ BOG như thế nào sẽ được Bộ Tài chính chủ trì, đưa ra bàn bạc tại Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến bàn bạc, thông qua của các đại biểu Quốc hội.

Bích Diệp