Tăng lãi suất để giữ chân khách hàng

(Dân trí) - Không chỉ chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn dài, một loạt ngân hàng liên tiếp điều chỉnh biểu lãi suất huy động VND ngắn hạn. Đại diện một số ngân hàng khẳng định không do thiếu vốn, mà tăng lãi suất nhằm giữ chân khách hàng, thu hút tiền gửi tái cho vay.

Một tuần gần đây, làn sóng chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn ngắn giữa các ngân hàng thương mại lại diễn ra dồn dập. ABBank với lãi suất 1 tháng lên tới 8,25%, 3 tháng 8,7%, 6 tháng 9%, gói tiết kiệm đúng nghĩa bảo hiểm trọn đời lên mức 9,4%/năm; SHB điều chỉnh biểu lãi suất tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi với mức tăng dao động từ 0,05% - 0,25%/năm, nâng mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng dành cho khách hàng cá nhân thấp nhất tại đây lên tới 8,2%/năm và cao nhất lên tới 9,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
 
OceanBank cũng tăng lãi suất huy động thường kỳ hạn ngắn 3 tuần lên đến 8%, 1 - 2 - 3 tháng tăng lên tương đương 8,2% - 8,3% - 8,5%. Và đây cũng là ngân hàng thứ hai (sau HDBank) điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên tới 10,3% - mức cao nhất hiện nay.
 
Còn bảng lãi suất mới của MB lại chỉ điều chỉnh kỳ hạn 1 tháng (tăng từ 7,85%/năm lên 8%/năm), mức lãi suất tiền gửi áp dụng cho các kỳ hạn khác không đổi. SeaBank điều chỉnh tăng ở kỳ hạn từ 1 tuần đến 6 tháng, với kỳ hạn 1 tuần, lãi suất 6%/năm; 2 tuần: 6,3%/năm; 3 tuần: 6,6%/năm; kỳ hạn 1 - 6 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 7,95 - 8,85%/năm…
 
Như vậy, nhìn vào bảng lãi suất của các ngân hàng có thể thấy, đường cong lãi suất đã bị biến đổi. Nếu trước tháng 7, kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng phổ biến dưới 7%/năm, thậm chí chỉ từ 5% - 6%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn dài lên tới 9 - 10%; thì nay, tất cả các kỳ hạn ngắn đã đồng loạt tăng và không ít ngân hàng đã vượt mức 8,5%.
 
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần qua có xu hướng tăng khá cao ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 12 tháng có mức tăng trên 1%/năm so với số liệu kỳ trước đó. Lãi suất bình quân qua đêm là 7,20%/năm (tăng 1,39%/năm), lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng từ 8,28%/năm đến 9,5%/năm.
 
Làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động VND, đặc biệt là kỳ hạn ngắn thời gian này cho thấy nhu cầu về vốn của các ngân hàng đang tăng cao.
 
Theo khẳng định của lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất không phải vì áp lực thanh khoản mà do “nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, cộng với nhu cầu vay hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp ngày càng lớn.
 
Đó là chưa kể, thị trường chứng khoán và bất động sản khởi sắc, hút một lượng tiền khá lớn từ tiết kiệm nên chúng tôi phải liên tục điều chỉnh lãi suất để giữ chân người gửi tiền”.
 
An Hạ