Tăng giá phục vụ hành khách tại sân bay
Giá phục vụ hành khách đi các chuyến bay nội địa sẽ tăng thêm 5.000 đồng (từ 25.000 lên 30.000 đồng), ở cả 2 cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Với khách bay quốc tế, giá thu ở cảng Tân Sơn Nhất sẽ được điều chỉnh từ 12 USD lên 14 USD, bằng với mức ở Nội Bài .
Đó là thay đổi lớn nhất trong những biểu giá ban hành kèm theo Quyết định số 13/2006 của Bộ Tài chính, ngày 13/3.
Cũng theo quyết định này, hai loại giá gồm giá soi chiếu an ninh (thu từ các hãng hàng không) và phục vụ hành khách sẽ tăng. Giá soi chiếu an ninh được điều chỉnh từ mức thu 30-70 USD/chuyến bay quốc tế lên mức 30-170 USD/chuyến (tương đương 0,51 USD/hành khách với hệ số sử dụng ghế 70%). Giá ở các đường bay nội địa vẫn giữ nguyên bằng 50% mức giá bay quốc tế.
Hai loại giá được giữ nguyên là hạ - cất cánh và bổ sung dịch vụ điều hành bay quá cảnh. Riêng giá điều hành bay đi hoặc đến giảm theo hướng có lợi cho cả hãng hàng không trong và ngoài nước.
Ở đường bay quốc tế, hãng hàng không nước ngoài được giảm 25% giá hiện hành để bằng mức áp dụng cho hãng hàng không VN bay quốc tế.
Đây là một trong những động thái đầu tiên của ngành hàng không VN trong lộ trình điều chỉnh các loại giá theo hướng bằng mức trung bình của khu vực ASEAN, xóa bỏ phân biệt về mức thu giữa các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Hiện nay đối với ngành hàng không VN, Nhà nước chỉ quản lý 6 loại giá, bao gồm giá dịch vụ điều hành bay đi/đến; hạ/cất cánh; soi chiếu an ninh; cung cấp bổ sung dịch vụ điều hành bay quá cảnh; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không và giá đường bay chuẩn Hà Nội - TPHCM.
Theo Ban Tài chính Cục Hàng không VN, mức thu một số dịch vụ tại cảng hàng không điều hành bay tại VN cao hơn mức bình quân ASEAN đã làm giảm bớt năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không VN so với một số cảng lớn trong khu vực.
Sau 5 năm áp dụng, biểu giá hiện hành đã có những bất cập, chưa phù hợp với các quy định trong Hiệp định Hàng không VN đã ký với các nước cũng như thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), do vẫn còn phân biệt về giá giữa các đối tượng trong và ngoài nước.
Đặc biệt chưa thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giá để thu hút nhiều hơn nữa các hãng hàng không nước ngoài đến VN, nhất là ở các thị trường đang mở cửa là Hà Nội, Đà Nẵng. Việc điều chỉnh lần này sẽ đưa biểu giá hàng không của VN từng bước hòa đồng với mức trung bình của khu vực.
Hàng không nội địa bị tăng chi phí
Trái với đánh giá của Cục Hàng không VN, cho rằng việc điều chỉnh này tác động không lớn đến hoạt động của các hãng hàng không nội địa vì chỉ làm tăng vài phần trăm chi phí đầu vào, Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines - VNA) lại dự báo mức tác động sẽ không nhỏ.
“Mỗi năm đội chi phí hàng trăm tỷ đồng, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của VNA” - Phó tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh khẳng định. Việc này cũng đặt VNA trước bài toán khó là tăng giá vé để bù đắp chi phí hay giảm lợi nhuận. Riêng hãng hàng không cổ phần Pacific Airlines có thể còn gặp khó khăn hơn vì đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Theo ông Minh, bên cạnh cái được của chính sách này là tăng thu cho ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cần tính toán phương án dãn trần giá vé máy bay để giảm bớt khó khăn cho hãng hàng không và cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu.
Hiện nay, các hãng hàng không đang nỗ lực duy trì “dải giá” rộng tới các mức thấp để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với vận tải hàng không nhưng vé máy bay nội địa mới có khoảng hơn 10 loại giá với mức chênh lệch giữa khung giá cao và khung giá thấp không quá 2 lần. Các loại vé bay ngay trong ngày, bay theo giờ đều đã được tính toán nhưng chưa thể thực hiện vì bị khống chế giá trần.
Theo Tô Hà
Người Lao Động