Tăng giá điện 2 lần trong năm 2023, EVN vẫn báo lỗ kỷ lục
(Dân trí) - Năm 2023, mặc dù có 2 lần điều chỉnh giá điện nhưng EVN vẫn ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, "ông lớn" này lỗ kỷ lục hơn 47.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023. Báo cáo ghi nhận doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm ngoái đạt 500.719 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán điện trong năm vừa qua đạt hơn 498.436 tỷ đồng, chiếm 99%.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán chiếm 487.677 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của EVN còn 13.041 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2022.
Năm 2023, tập đoàn này cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh xuống còn hơn 4.065 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.686 tỷ đồng, các chi phí khác biến động nhẹ.
Sau khi trừ các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 20.747 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 27.847 tỷ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, "ông lớn" này lỗ hơn 47.519 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.182 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Đáng chú ý, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức hơn 81.306 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với đầu năm. Số tiền gửi ngân hàng trong năm vừa qua cũng đã mang về cho tập đoàn hơn 3.231 tỷ đồng tiền lãi.
Nợ vay tài chính của EVN tính đến hết năm 2023 ở mức hơn 311.092 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Năm vừa qua, doanh nghiệp này phải trả hơn 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 4.478 tỷ đồng so với năm 2022.
Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện sản xuất và mua của tập đoàn năm 2023 đạt hơn 271 tỷ kWh, tăng hơn 3,6% so cùng kỳ năm 2022 và bằng 99% kế hoạch.
Doanh nghiệp cho biết năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
"Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn, tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính; vận hành tối ưu nguồn điện, triển khai các giải pháp về tài chính như tăng thu tối đa cổ tức từ các đơn vị thành viên...", báo cáo EVN cho biết.
Tuy nhiên, theo tập đoàn, trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện.
Bên cạnh đó, sản lượng thủy điện - là các nguồn điện có giá thành thấp giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỷ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm khoảng 8,7 tỷ kWh), chi phí mua điện trên thị trường điện tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp.