1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tân Thủ tướng trước những thách thức lớn của nền kinh tế

(Dân trí) - Chính phủ khép lại nhiệm kỳ cũ với tốc độ lạm phát thấp nhất 15 năm, tăng trưởng đạt cao nhất 8 năm, 3 năm ghi nhận xuất siêu, an ninh tiền tệ được củng cố... song nợ Chính phủ vượt trần, ngân sách căng thẳng, rủi ro với ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn, tham nhũng như một thứ giặc nội xâm. Đó là tiền đề và cũng là những bài toán lớn còn chờ đợi lời giải của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức nhậm chức ngày 7/4/2016. Trong những phiên tiếp theo, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm các thành viên cũ và bầu thành viên mới của Chính phủ.

Nhận chuyển giao khi kinh tế phục hồi, lạm phát thấp

Chia sẻ với báo chí cuối ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Chính phủ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cam kết sẽ tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Đây có thể coi là những "gạch đầu dòng" quan trọng trong công tác điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ mới, có ý nghĩa quan trọng với cả nền kinh tế cũng như sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trong lễ nhậm chức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trong lễ nhậm chức

Nhìn vào "điểm xuất phát" của tân Thủ tướng có thể thấy, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế tuy chưa hoàn thành nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo với chỉ số CPI giảm mạnh còn 0,6% vào năm 2015 so với mức 18,13% năm 2011, được ghi nhận thấp nhất 15 năm. Tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008, tạo đà quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cán cân vãng lai, cán cân thương mại cũng đã được cải thiện với tỉ lệ nhập siêu từ mức trên 10% kim ngạch xuất khẩu, đến nay chỉ còn 2%. Từ tình trạng triền miên nhập siêu thì nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cũng đã có tới 3 năm xuất siêu.

Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm xuống còn 2,55%, các ngân hàng yếu kém, nguy cơ đổ vỡ được khắc phục, an ninh tiền tệ được củng cố.

Đối mặt nhiều thách thức lớn

Tuy nhiên, không khó để chỉ ra hàng loạt những thách thức mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ sẽ phải nỗ lực giải quyết thời gian tới. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ công trên GDP cuối năm 2015 đã là 62,2%, nguy cơ chạm trần 65% GDP là hiện hữu. Nợ chính phủ vượt trần và gây sức ép không nhỏ lên cán cân ngân sách.

Bên cạnh đó, trước sức ép cạnh tranh và hội nhập, lực lượng doanh nghiệp "thuần Việt" vẫn còn rất mỏng dù đông. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng, tạo được môi trường đầu tư kinh doanh "sạch" là bài toán cân đối đầy thách thức dành cho Chính phủ nhiệm kỳ tới. Chưa kể, đà tăng trưởng đang đứng trước không ít những rủi ro đến cả từ yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM), hoạt động điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Ông Ngân phân tích, nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất lớn, thuộc tốp đầu của thế giới, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 328 tỷ USD, tương đương với 170% giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Vì vậy, kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi những biến động của kinh tế - xã hội thế giới.

Năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Kinh tế các nước lớn tiếp tục khó khăn, nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là khu vực sử dụng đồng Euro, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, nền kinh tế của Brazin và Nga thì suy thoái. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết El Nino đã có nhiều tác động đến kinh tế - xã hội của thế giới, hạn hán cháy rừng tại Đông Nam Á, lũ lụt xảy ra tại châu Mỹ Latin, nắng nóng kỷ lục tại Nam Á...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và người tiền nhiệm - nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và người tiền nhiệm - nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái)

Riêng ở Việt Nam, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đây là nguyên nhân chính làm cho tốc độ GDP quý I/2016 tăng chậm lại và chỉ tăng 5,46%, trong khi quý I năm 2016 kinh tế tăng trưởng 6,12%. Riêng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ghi nhận tăng trưởng âm 1,23% so với cùng kỳ năm trước.

"Nhấn mạnh điểm này để thấy việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2016 là 6,7% là một thử thách lớn cho Chính phủ nhiệm kỳ mới" - ông Ngân cho hay.

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng nhận định, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, trong chừng mực đó sẽ gây áp lực đối với việc tăng mặt bằng giá trên thị trường thế giới, dội đập vào kinh tế Việt Nam, gây áp lực đối với lạm phát.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc thực thi chính sách mở cửa thì cạnh tranh quốc tế cũng ngày càng khốc liệt, sẽ tác động xấu đến hoạt động của nền kinh tế cũng như chất lượng hoạt động tín dụng - ông Thụ tỏ ra lo ngại.

Vị đại biểu đánh giá, Việt Nam đã thoát khỏi nước kém phát triển. Từ năm 2010 đến năm 2015 quy mô GDP của nền kinh tế đã đạt đến 200 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đã đạt mức 2.109 USD/người/năm. Tuy vậy, ông Thụ cho rằng mức này còn rất thấp so với các nước phát triển đã đạt được từ 30.000-40.000 USD/người/năm. Áp lực về tăng trưởng kinh tế rất lớn trong điều kiện các cân đối lớn của nền kinh tế hết sức khó khăn, ngoài cân đối về tài chính tiền tệ căng thẳng.

Do vậy, theo đại biểu tỉnh Lai Châu, "không thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng nóng được" và hơn lúc nào hết, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần lựa chọn mục tiêu tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô lấy cân đối chính của nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, việc tăng trưởng nóng, tăng trưởng chỉ vì duy trì ở mức hợp lý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất, cần tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong điều hành bộ máy Chính phủ cần tiếp tục phối hợp đồng bộ và thống nhất trong hành động cũng như cung cấp thông tin ra ngoài xã hội.

"Lạm phát năm nay đang tăng trở lại và có thể tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, dịch vụ y tế... cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng điều chỉnh thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, điều chỉnh dồn dập sẽ gây lạm phát tâm lý" - ông Ngân lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng)

Các vị đại biểu cũng đề xuất Chính phủ và tân Thủ tướng cần coi việc giảm tỷ lệ bội chi, giảm dư nợ công là vấn đề cấp bách, phải rà soát lại chính sách thu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả... từ đó làm lành mạnh hóa ngân sách nhà nước.

Nói về vị tân Thủ tướng mới, nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận xét, "tân Thủ tướng mới là người hoạt động trong cơ quan hành pháp khá lâu. Nhiệm kỳ vừa rồi ông là người trợ thủ, người thực hiện thực thi công việc, thực tiễn chỉ đạo nhiều công việc". Do vậy, nhiệm kỳ mới có rất nhiều điều để cử tri và nhân dân chờ đợi và hy vọng, tin tưởng ở sự thể hiện của Thủ tướng trên cương vị là người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Song ông Quốc cũng chia sẻ, do là cơ quan hành pháp, điều hành công việc cụ thể nên bộ máy của Chính phủ cũng là nơi dễ xảy ra tham nhũng nhất. Do vậy, việc chống tham nhũng cần là ý chí chung và tân Thủ tướng cần hiện thực hóa được lời tuyên thệ, lời hứa của mình trước nhân dân và Tổ quốc về quyết tâm phòng, chống tham nhũng đến cùng.

Đánh giá về nhiệm kỳ trước, Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc (đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình) trăn trở, Chính phủ và Thủ tướng vẫn chưa thành công trong việc thiết lập kỷ luật thực thi trong hệ thống hành chính của mình. Nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện cải cách thể chế theo nghị quyết của Chính phủ. Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp của Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ.

Do vậy, ông Lộc kỳ vọng, Chính phủ của nhiệm kỳ mới sẽ là một Chính phủ hành động để con đường dài nhất Việt Nam mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau chứ không phải là con đường từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức.

Bích Diệp

Tân Thủ tướng trước những thách thức lớn của nền kinh tế - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm