1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán tuần qua:

"Tán loạn" vụ Tân Hoàng Minh và vụ bán "chui" của đại gia Trịnh Văn Quyết

Mai Chi

(Dân trí) - Vụ việc ông chủ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm và vụ "bán chui" cổ phiếu FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết bị phanh phui là hai sự kiện chấn động thị trường chứng khoán tuần qua.

Chưa từng có: Trả lại tiền mua cổ phiếu bán "chui" của ông Trịnh Văn Quyết

Liên quan đến việc xử lý vụ giao dịch "chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, việc hủy giao dịch, trả lại tiền cho tài khoản đối ứng là "chưa có tiền lệ nhưng khả thi".

Cụ thể, UBCKNN phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) và các công ty chứng khoán sàng lọc giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch và trả lại tiền cho nhà đầu tư trong vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết hôm 10/1.

Tán loạn vụ Tân Hoàng Minh và vụ bán chui của đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch biến động (Ảnh minh họa: Shutterstock).

HoSE và VSD có trách nhiệm xác định lại các tài khoản nào đã khớp lệnh đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy lệnh và trả lại tiền.

Trước đó, HoSE có báo cáo lên UBCKNN về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong ngày 10/1 mà không công bố thông tin theo quy định. Cũng phiên này, FLC được giao dịch kỷ lục 135 triệu cổ phiếu.

Trong tối cùng ngày, lãnh đạo UBCKNN đã có yêu cầu phong tỏa các tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết tại các công ty chứng khoán, đồng thời phía HoSE cũng đã công bố thông tin hủy giao dịch đối với lô cổ phiếu này.

Cổ phiếu "họ FLC" và bất động sản Thủ Thiêm bị "nhốt sàn"

Phiên giao dịch cuối tuần 14/1, VN-Index rung lắc mạnh đầu phiên và đi ngang cho đến hết phiên, đóng cửa tại 1.496,02 điểm, giảm nhẹ 0,03 điểm so với phiên trước. VN30-Index giảm 2,86 điểm tương ứng 0,19% còn 1.523,57 điểm.

Ở phiên này, nhóm bất động sản đã có nhiều mã được "giải cứu" thành công, thoát sàn và hồi phục. SJS và TIP tăng trần, VRC tăng 6,5% áp sát mức giá trần, DTA tăng 5,1%; DXG và D2D về mức giá tham chiếu và có lúc tăng, SCR cũng có lúc tăng lên 23.200 đồng trước khi giảm 3,1% về 22.000 đồng. TDH thậm chí có lúc tăng trần lên 12.750 đồng trước khi đóng cửa tại 11.700 đồng, giảm 2,1%. DIG mặc dù đóng cửa giảm sâu 6,8% còn 96.600 đồng nhưng trong phiên cũng đã có lúc tăng lên 106.000 đồng.

Tuy vậy, nhiều cổ phiếu bất động vẫn giảm sàn và trắng bên mua như QCG, NBB, CII. Đây là những cổ phiếu có đất/dự án tại Thủ Thiêm và bị tác động tiêu cực do vụ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc. Trong đó, CII hoàn toàn "sàn cứng" trong phiên, chỉ khớp lệnh hơn 600 nghìn cổ phiếu nhưng dư bán sàn còn tới 17,7 triệu cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu họ FLC cũng rơi vào tình trạng mất thanh khoản, dư bán sàn tại ROS tới 88,78 triệu cổ phiếu; tại FLC là 64,67 triệu cổ phiếu; tại HAI là 18,74 triệu cổ phiếu; tại AMD là 22,87 triệu cổ phiếu; tại KLF là hơn 28 triệu cổ phiếu, tại ART là xấp xỉ 14 triệu cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư "vạ lây" dù không đua cổ phiếu "nóng"

Phiên giao dịch ngày 13/1 là một phiên giao dịch mang lại nhiều thất vọng cho phần lớn nhà đầu tư trên thị trường.

Những tưởng dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index sẽ bứt tốc quay lại chinh phục đỉnh. Tuy nhiên, diễn biến đã khác xa so với tưởng tượng và kỳ vọng của cả giới phân tích và giới đầu tư.

Trong phần lớn phiên sáng, VN-Index vẫn giữ trạng thái tăng là chủ yếu nhưng đến phiên chiều, tình hình đảo ngược. Lực đỡ của cổ phiếu ngân hàng và thép không đủ "níu" VN-Index khi mà toàn thị trường ngập chìm trong sắc đỏ.

VN-Index đóng cửa giảm 14,46 điểm tương ứng 0,96% còn 1.496,05 điểm, trong khi đó, VN30-Index cũng giảm 0,24% còn 1.526,43 điểm.

Đáng nói là không chỉ có cổ phiếu "nóng" mà nhiều cổ phiếu trong mảng sản xuất cũng bị bán tháo, giảm sàn, trắng bên mua. Một số nhà đầu tư cho rằng, do căng margin và nhiều cổ phiếu "nóng" hiện đã bị mất thanh khoản nên xuất hiện tình trạng bán ra cổ phiếu khác trong danh mục dẫn đến nhiều mã cổ phiếu bị "vạ lây" do sự sụp đổ chóng vánh của cổ phiếu nóng.

Nghẽn lệnh trên HoSE: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo "nóng"

Tuần qua, sự cố nghẽn lệnh xuất hiện trở lại dù được tuyên bố khắc phục xong từ năm 2021 cũng gây chú ý với giới đầu tư.

Phiên giao dịch ngày 10/1, nhiều nhà đầu tư than phiền các lệnh mua/bán gửi lên không thể thực hiện đối với cổ phiếu sàn HoSE. Trên bảng giá của nhiều công ty chứng khoán không hiển thị giao dịch cổ phiếu ở sàn này.

Tình trạng này kéo dài trong khoảng 30 phút đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư. Do bị "bịt mắt dò đường" nên một bộ phận nhà đầu tư đã dùng lệnh thị trường (MP) để bán cổ phiếu (MP - lệnh bán bằng mọi giá). Theo đó, khi hoạt động khớp lệnh được "thông" trở lại thì giá cổ phiếu đã giảm sâu, thậm chí giảm sàn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngay khi xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh, ông lập tức đã chỉ đạo cho chạy mạng dự phòng.

19h14 tối cùng ngày, website Bộ Tài chính đăng thông tin cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu VNX chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố ngày 10/1.

Bộ yêu cầu VNX giao HoSE khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).

Về phía HoSE, đến 21h09, đơn vị này mới có thông báo tới nhà đầu tư về vụ việc trên và cho biết, "Sở HoSE rất tiếc về sự việc".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm