Thách thức của ngành nông nghiệp khi bước vào thị trường "khổng lồ" như EU?
(Dân trí) - Thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi bước vào thị trường “khổng lồ” như Liên minh Châu Âu chính là những rào cản kỹ thuật khắt khe. EU luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm an toàn, khai thác hợp pháp.
Sáng 30/6, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Liên minh Châu Âu (EU – trừ Anh) là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng nước ta chỉ chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU.
Do vậy, Việt Nam đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Ngày 30/3, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Hội đồng Châu Âu phê duyệt. Về phía Việt Nam, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỉ lệ 100% và hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
“Sau khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực thì nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ EVFTA thì việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang “sân chơi” lớn như EU cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức mới.
Cụ thể, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động thực vật, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chống khai thác bất hợp pháp…
“Ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Tăng cường công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời gian này là rất đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội “vàng”, tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, đồ gỗ…
“Để tận dụng tốt các cơ hội về thương mại và đầu tư, nông nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bền vững về môi trường. Nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chủ động nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu một cách bài bản”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phổ biến các quy định kỹ thuật, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản của thị trường EU để định hướng cho doanh nghiệp, người dân và các địa phương nắm bắt kịp thời nhằm điều chỉnh sản xuất, kinh doanh để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ triển khai xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) theo đúng quy định của EU. Rà soát pháp luật trong quá trình thực thi để có thể đề xuất điều chỉnh bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang EU đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Riêng nhóm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt 712 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 2,26 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,29 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 313 triệu USD.
“TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: phổ biến, tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do, xúc tiến để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
“Chúng tôi cũng hi vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương, nhất là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT để hỗ trợ doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU”, ông Phong chia sẻ.
Đại Việt