"Tấm khiên" bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro sử dụng tài chính số

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Nhờ triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo trên môi trường tài chính số đã giảm tới 50%. Việc các công ty tài chính, ngân hàng thực hiện đồng loạt xác thực sinh trắc học đã bảo vệ hàng tỷ giao dịch người tiêu dùng trong năm qua.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022, trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

5 tháng đầu năm nay, số tiền của người dân bị kẻ gian chiếm đoạt trên không gian mạng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng; số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước thực trạng phức tạp của tội phạm công nghệ trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345, trong đó quy định kể từ ngày 1/7, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học.

Thực tế cho thấy, sau hơn 3 tháng triển khai, biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo. "Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin.

Tấm khiên bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro sử dụng tài chính số - 1

Xác thực sinh trắc học giúp bảo vệ an toàn hơn cho người dân, tránh nguy cơ bị kẻ xấu lừa đảo và lấy hết tiền trong tài sản (Ảnh: Mỹ Anh).

Cùng với số vụ lừa đảo giảm 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Việc tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực tài chính số được kiềm chế nhanh chóng có đóng góp lớn từ các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính và ngân hàng. Trên thực tế, với quy mô thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đạt giá trị gấp 23 lần GDP năm 2023 và dự kiến gần 25 lần vào năm 2025, khối lượng công việc mà các đơn vị này phải xử lý trong thời gian qua là rất lớn để nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin, kết nối chặt chẽ hơn với khách hàng, liên tục khuyến cáo các kịch bản lừa đảo mới và hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học.

Cụ thể, Vietcombank hỗ trợ người dùng hiện hữu và người dùng đăng ký mới cách thức tích hợp ngay trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến. ABBank triển khai thu thập thông tin sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử AB Ditizen. Agribank - với phần lớn khách hàng ở khu vực ngoại thành và nông thôn - hỗ trợ trên cả kênh ứng dụng ngân hàng điện tử lẫn quầy giao dịch.

Trong khi đó, VietinBank triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động về mặt hạ tầng công nghệ để hoàn thành thu thập sinh trắc học cho hơn 5 triệu khách hàng. BIDV chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc đối với trường hợp thiết bị khách hàng không hỗ trợ NFC.

Tấm khiên bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro sử dụng tài chính số - 2

Xác thực sinh trắc học giúp nâng cao bảo mật, đảm bảo môi trường giao dịch số an toàn (Ảnh: Viettel Money).

Các trung gian thanh toán như Viettel Money cũng nhanh chóng thực hiện xác thực sinh trắc học với hàng triệu khách hàng nhằm nâng cao bảo mật, đảm bảo môi trường giao dịch số an toàn. Nhờ hệ thống hàng trăm nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc, khách hàng có thể cập nhật sinh trắc học dễ dàng với sự hỗ trợ của nhân viên Viettel Money nếu gặp bất cứ khó khăn nào khi thực hiện trên ứng dụng.

Với Momo, ví điện tử này đã có hướng dẫn xác thực sinh trắc học bằng thiết bị hỗ trợ NFC từ tháng 5. Ngoài ra, đơn vị này còn hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn trong việc xác thực bằng cách kết hợp với hệ thống Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh để thao tác trực tiếp cho khách hàng.

Cùng với đó, các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính số cũng thường xuyên cập nhật các kiến thức về an toàn bảo mật, các thủ đoạn lừa đảo mới. Khách hàng có thể theo dõi và tìm hiểu trên các kênh truyền thông chính thức (website, fanpage, Zalo) để cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, tránh gặp phải các tình huống đáng tiếc.

Viettel Money là hệ sinh thái tài chính số toàn dân do Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) làm chủ toàn trình. Đây là hệ sinh thái với đa dạng nguồn tiền, cho phép người dùng thực hiện mọi giao dịch từ chuyển, nạp, rút tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet,... trực tuyến đến các dịch vụ về tài chính như bảo hiểm, tiết kiệm, vay một cách nhanh chóng, dễ dàng chỉ với số điện thoại. Sử dụng được mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều thiết bị mà chưa cần có tài khoản ngân hàng hay kết nối Internet - Viettel Money hướng tới phổ cập tài chính số, thanh toán số , kiến tạo cuộc sống mới với sứ mệnh: "Ở đâu có sóng viễn thông, ở đó có hạ tầng và dịch vụ số".

Tính đến nay, Viettel Money đã có hơn 25 triệu khách hàng và Mobile Money đạt 7 triệu thuê bao, chiếm top 1 thị phần khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.