Tâm điểm kinh tế: Phản biện gắt gao siêu dự án đường sắt cao tốc 58 tỷ USD
(Dân trí) - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trở thành tâm điểm chú ý tuần qua sau khi Bộ KHĐT đưa ra đề xuất giảm tốc mức đầu tư xuống còn 26 tỷ USD so với con số hơn 58 tỷ USD của Bộ GTVT trước đó. Các chuyên gia kinh tế liên tục đưa ra ý kiến phản biện và Thủ tướng đã lập hội đồng thẩm định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vốn làm ĐSCT Bắc - Nam chỉ 26 tỷ USD, Bộ Giao thông: 58 tỷ!
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ đưa các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan rằng với chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/giờ là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Theo Bộ Kế hoạch, các chuyên gia Hà Lan và Đức tính toán, nếu tính các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm.
Với tốc độ khai thác 200km/giờ, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM sẽ vào khoảng 8 tiếng như vậy là khá hợp lý
Theo Bộ KHĐT, hiện phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách.
“Chính phủ Hà Lan đã không thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf - Amsterdam từ 200km/giờ lên 300km/giờ vì chi phí vận hành tăng từ 1,8 tỷ euro lên 3,4 tỷ euro và không phát huy tối đa hiệu quả”, văn bản của Bộ nêu.
Bộ Giao thông lên tiếng về chênh lệch 32 tỷ USD đầu tư đường sắt tốc độ cao
Bộ GTVT đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia. Đồng thời, Bộ GTVT cũng trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan tại Văn bản 12919 ngày 14/11/2018 về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án (cho đến thời điểm 5/1/2019, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành về cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ của Bộ GTVT trình Thủ tướng).
Sau đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ,... căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án, tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỷ USD. Ngày 14/2/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281 trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo Bộ GTVT, với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế.
Vì sao đầu tư đường sắt tốc độ cao giữa hai Bộ “vênh” 32 tỷ USD?
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải ( TEDI ) - đơn vị tư vấn nghiên cứu báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại diện liên danh tư vấn TEDI - TRICC – TEDIS: "Tư vấn Nhật Bản đã tính toán phương án xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao 350 km/h với hạ tầng hiện hữu ở Việt Nam, qua đó giảm chi phí 30% so với xây dựng ở Nhật Bản. Tổng mức đầu tư dự án 58,7 tỷ USD, ứng với suất đầu tư khoảng 38 triệu USD/km, thấp hơn rất nhiều so với suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị hiện nay tại Việt Nam".
Vị này cho rằng, nếu tính chi phí xây lắp đường sắt tốc độ 200 km/h giảm so với đường sắt tốc độ 350 km/h là 10%, chi phí thiết bị giảm 26%, các hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị phụ trợ có mức đầu tư cơ bản như nhau. Khi xây dựng hạ tầng và mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ chạy tàu 350km/h cũng chỉ tăng khoảng 5 tỷ USD so với xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết bị cho tàu chạy 200km/h.
Đại diện TEDI nhận xét, số liệu 26 tỷ USD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra có thể chỉ là giá trị xây lắp của dự án. “Không thể có việc tổng mức đầu tư giảm hơn một nửa nếu xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ 200 km/h thay vì 350 km/h. Số liệu về tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được liên danh tư vấn tính toán rất chi tiết và được kiểm soát chặt chẽ”.
Đề xuất làm đường sắt Bắc Nam tiết kiệm 32 tỷ USD: Chuyên gia kinh tế Việt ủng hộ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ Nghiên cứu của cố Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan trọng nhất bây giờ xây dựng đường sắt dù cao tốc hay bình thường thì phải nhìn vào thực tế: chở được cả hàng và người. Ý tưởng của Bộ GTVT xây dựng con đường sắt cao tốc 58,71 tỷ USD chủ yếu là chở khách hàng, không chở hàng, nếu vậy thì giảm đi 2/3 hiệu quả kinh tế.
Bà Lan cho biết, người dân đang có nhu cầu về làm ăn kinh tế, người ta đi lại chứ không phải đi chơi, đi du lịch. Đi đường sắt, người dân bình thường còn có nhu cầu kinh tế, còn đi chơi nếu đi lâu 8 -10 tiếng, mà xây dựng tuyến đường đắt như vậy thì giá vé chắc chắn sẽ đắt hơn, khó cạnh tranh được với máy bay, mà chỉ mất 2 - 3 tiếng.
Cả xã hội dồn tiền vào để xây cao tốc mà khi giá vé chỉ phục vụ một số ít người, như vậy tạo bất công, không công bằng. Người nghèo phải đóng thuế cho người giàu đi. Không thể làm đường cho người giàu đi bằng chi phí cả xã hội.
Bà Lan cho rằng phương án của chuyên gia Đức, Hà Lan rất đúng, đây cũng là ý tưởng mà các chuyên gia của Việt Nam đưa ra cách đây 4 - 5 năm khi Bộ GTVT đề xuất xây đường sắt cao tốc nhưng khi đưa ra Quốc hộ đã bị bác bỏ.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350 km/h, chuyên gia kinh tế: Tôi không dám đi!
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho hay: Với tốc độ đường sắt 350 km/giờ ở Việt Nam sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao.
“Thời tiết khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, đường sắt Bắc Nam đi qua nhiều địa hình hiểm trở như núi cao, biển. Chỉ một chi tiết sai lầm nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Nếu có tàu cao tốc 350 km/giờ, tôi cũng không dám đi”. Ông Phong đánh giá: Với điều kiện vốn của Việt Nam, phương án Bộ KH&ĐT đưa ra cải tạo, rồi dần dần xây mới với chi phí 26 tỷ USD là hợp lý hơn.
“Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam có tốc độ vừa phải, như nhiều nước phát triển đang sử dụng là hợp lý, chúng ta cũng sẽ xây dựng theo từng đoạn. Đoạn nào đông khách làm trước để giảm chi phí, tăng cơ hội cho đoạn tiếp theo”, vị chuyên gia góp ý.
Nước ngoài dễ thao túng, độc quyền suốt vòng đời đường sắt cao tốc Bắc Nam
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, việc cho rằng đi vào công nghệ đường sắt cao tốc kiểu Shinkansen là cách đi tắt, đón đầu, tiến thẳng vào hiện đại và rằng rồi chúng ta sẽ được chuyển giao công nghệ có phần “lạc quan quá mức”.
Công nghệ độc quyền chính là cái hàng rào cao nhất để các đối tác nước ngoài củng cố và bảo vệ, nhằm độc chiếm lâu dài những thị trường mà họ đã tạo ra và sở hữu bằng chính những công nghệ đó.
Ông nêu ra một thực tế là dự án Đường sắt Cao tốc Đài Bắc – Cao Hùng (Đài Loan) bị người dân Đài Loan phản đối vì dùng ngân sách đã được chính quyền này giao cho tập đoàn Thái Bình Dương, Đông Viên, Trường Vinh, Phúc Ban, Đại Lục lập một liên doanh để triển khai.
Cho dù Đài Loan giàu có nhưng vẫn chưa thể sở hữu công nghệ đường sắt cao tốc, mọi cái phải nhập từ Nhật bản…Sau một thời gian vận hành vì công suất dư thừa, lượng khách đi tàu thấp, chi phí vận doanh quá cao đặc biệt là mua sắm phụ tùng, thiết bị thay thế nên thua lỗ liên tiếp. Cuối cùng chính quyền Đài Loan phải đứng ra giải cứu mua lại 37% cổ phần, gánh lấy phần lỗ của dự án.
Thủ tướng lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đứng đầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các thành viên khác bao gồm lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi dự kiến dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua là: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập Dự án để thẩm tra Báo cáo NCTKT Dự án theo đúng quy định.
Mai Chi (tổng hợp)