Tấm bia 5.000 năm tuổi chứa công thức làm bia được bán hơn 5 tỷ đồng

Thùy Dung

(Dân trí) - Một tấm bia bằng đất sét 5.000 năm tuổi mô tả chi tiết công thức làm bia và mang “chữ ký đầu tiên trên thế giới” vừa được bán với giá 175.000 bảng Anh (hơn 5 tỷ đồng) trong một cuộc đấu giá.

Tấm bia 5.000 năm tuổi chứa công thức làm bia được bán hơn 5 tỷ đồng - 1

Tấm bia được cho là ghi chép sớm nhất có “ký tên” của một cá nhân trong lịch sử - được biểu thị bằng các ký hiệu dịch là 'KU' và 'SIM' ở góc trên cùng bên trái.

Các chuyên gia giải thích đây là cách viết tên 'Kushim', có thể là tên của người ghi chép, người đã khắc lên tấm bia.

Những chữ khắc trên tấm bia thể hiện cách thức sản xuất bia tại Đền Inanna ở Trung Đông vào năm 3.100 trước Công nguyên.

Quá trình biến lúa mạch hoặc ngô thành bia và vận chuyển đến nhà máy bia được minh họa bằng những hình khắc nguyên thủy về ngũ cốc và chai lọ.

Tấm bia có hình vuông với kích thước 3 x 3 inch được khai quật tại thành phố cổ Uruk, ở miền nam Iraq ngày nay. Tấm bia này vừa được bán bởi nhà đấu giá Bloomsbury có trụ sở tại London (Anh).

Tâm bia đã được bán gần gấp đôi so với con số ước tính ban đầu là 90.000 bảng. Người mua tấm bia này là một nhà sưu tập tư nhân của Mỹ. Người này đã trả giá 140.000 bảng Anh, với các khoản phụ phí đưa con số tổng thể lên tới 175.000 bảng Anh.

Timothy Bolton, một chuyên gia tại Nhà đấu giá Bloomsbury cho biết: 

“Chữ ký này rất quan trọng, chúng là một phần cơ bản và đầu tiên xác định danh tính của bản thân một người nào đó. Vì vậy, khi bạn nắm giữ món đồ này trong lòng bàn tay, bạn có thể nắm giữ kỷ lục về chữ ký sớm nhất”, ông nói thêm.

Theo ghi nhận của Y. N. Harari trong cuốn Sapiens: Lược sử về loài người, chữ ký rõ ràng này chỉ đơn giản là bằng chứng về một giao dịch giữa nhà sản xuất bia và người mua.

Narari tuyên bố rằng tấm bia này là biên lai cho nhiều lô hàng lúa mạch và nó chỉ đơn giản nói “29,086 cho lúa mạch 37 tháng của Kushim”