1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tạm bằng lòng với sản phẩm đơn giản là: "Made in Vietnam"

(Dân trí) - Sáng nay (13/7), tại Diễn đàn "Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương" do Hội đồng thương hiệu quốc gia Việt Nam tổ chức, PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh-một chuyên gia nghiên cứu về thương hiệu cho rằng, lâu nay, ở nước ngoài, người ta chỉ biết vài sản phẩm là của Việt Nam: Cà phê, cá tra, gạo ...nhưng chưa gắn được với tên của một doanh nghiệp nào.


Cam Cao Phong của tỉnh Hoà Bình sau khi được công nhận Thương hiệu chỉ dẫn địa lý đã được tiêu thụ rất mạnh

Cam Cao Phong của tỉnh Hoà Bình sau khi được công nhận "Thương hiệu chỉ dẫn địa lý" đã được tiêu thụ rất mạnh

Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, việc xây dựng Thương hiệu quốc gia (THQG) ngày nay là rất quan trọng, trên 80 nước đã có Chương trình phát triển THQG và Việt Nam cũng đã có Chương trình THQG của mình.

"Để đạt các mục tiêu, tạo dựng được hình ảnh THQG riêng, Việt Nam đi sau, nguồn lực còn hạn chế nên giai đoạn đầu mới chọn một số sản phẩm có uy tín, có tính đại diện", ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài như cá tra, thanh long, vải thiều, gạo ...nhưng không gắn nhưng không gắn tên doanh nghiệp nào cả mà chỉ đơn giản gọi là: Cá tra từ Việt Nam, gạo Việtt Nam...

"Chúng ta rất khó có được ngay các thương hiệu lớn tầm quốc gia như Nokia hay Samsung...nên bước đầu phải đoàn kết, gắn kết qua sản phẩm nhìn thấy được ngay là sản phẩm Việt Nam", ông Thịnh nêu ý kiến.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, có những việc có thể làm được ngay như gắn kết THQG với điểm đến du lịch. "Việc này sẽ làm gia tăng việc biết đến THQG của Việt Nam rất nhanh. Vì khách hàng đến tiếp xúc được với con người, thiên nhiên, cách thức ứng xử, sản phẩm. Tuy nhiên, đáng tiếc, trong 63 THQG hiện nay mới có 2 thương hiệu liên quan đến du lịch", ông Thịnh nhận xét.

Chuyên gia đến từ Trường Đại học Thương mại Hà Nội còn cho rằng, các địa phương hiện nay chưa thực sự nỗ lực để tạo dựng thương hiệu cho điểm đến du lịch ở địa phương mình mà mới khai thác một cách đơn giản các sản phẩm sẵn có.

"Hiện nay, việc giới thiệu đặc sản, điểm đến của địa phương làm rất yếu. Tôi đi du lịch nhiều nhưng mỗi lần lên mạng tìm địa điểm khách sạn, món ngon khó vô cùng. Số điện thoại ở các khách sạn trên mạng phần lớn chỉ là số cố định gọi mãi ai nghe. Do đó, Chương trình THQG cần phải làm thế nào để hỗ trợ các địa phương để họ nâng cao năng lực, trình độ, để tạo dựng hình ảnh điểm đến cho du lịch", ông Thịnh góp ý.

Theo ông Thịnh, Chương trình THQG ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hoá. "Việc mở rộng THQG, mở rộng các thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa phương, vùng miền sẽ có tính khuếch trương mạnh cực mạnh", ông nói thêm.

Đại diện lãnh đạo một số địa phương có những sản phẩm đặc sản như: Hưng Yên (sản phẩm nhãn lồng), Bắc Giang (vải thiều), Hoà Bình (cam Cao Phong)...đều tỏ ý đồng tình với ý kiến của PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh. Nhiều người thừa nhận là việc phát triển sản phẩm đặc sản địa phương vẫn hạn chế, nhiều nơi còn chưa đăng ký về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, việc tiêu thụ mới chủ yếu dựa vào thương lái.

Ông Bùi Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Hoà Bình cho biết, việc đầu tư, phát triển thương hiệu, được công nhận "Thương hiệu chỉ dẫn địa lý" với một số sản phẩm cam địa phương nhất là loại cam đặc sản "Cao Phong" đã giúp phát triển mạnh diện tích trồng cam, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này.

"Riêng sản phẩm cam Cao Phong hiện đã đạt 2000 ha với sản lượng gần 20.000 tấn, giúp nông dân có lãi ít nhất 400 triệu/ha/vụ", ông Thắng cho biết.

Lắng nghe các ý kiến này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhất trí cho rằng, việc xây dựng sức mạnh cạnh tranh tổng thể cho các sản phẩm mang THQG của Việt Nam trong đó có thương hiệu vùng miền của các địa phương có thế mạnh rất quan trọng.

"Thương hiệu sản phẩm gắn với các vùng miền sẽ có tác dụng quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Cho nên sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, gắn kết thương hiệu vùng miền với THQG", ông Hải nhấn mạnh.

Mạnh Quân