Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành F&B

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 15/12, hội thảo "Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng trong ngành F&B trong và sau đại dịch" đã diễn ra với hình thức trực tiếp (offline) và hình thức trực tuyến (online).

Hội thảo do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) phối hợp cùng Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) - nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức với sự tham gia của nhiều đại biểu bộ, ngành Trung ương, cách tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia quốc tế... nhằm đưa ra những giải pháp thực tiễn giúp doanh nghiệp ngành F&B vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển.

Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành FB - 1
Cuộc hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

F&B lao đao vì "bão" đại dịch

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 tại một số khu vực kinh tế trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đánh giá: "Riêng đối với ngành F&B Việt Nam, theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2021, năm 2020 có gần 48% số doanh nghiệp trong ngành cho rằng không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng lên đến hơn 91%. Điều này cho thấy sự tác động khủng khiếp của Covid-19 đối với ngành F&B Việt Nam lớn như thế nào".

Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành FB - 2
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá đại dịch Covid-19 tác động khủng khiếp tới ngành F&B Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng chỉ ra thực trạng ngành F&B hiện nay dưới sự tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp F&B đang đối mặt với bài toán sống còn. Hầu hết các công ty sản xuất trong ngành thực phẩm đồ uống có năng lực tài chính yếu kém, để sinh tồn, nhiều doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu sản xuất và mạng lưới phân phối thích ứng với khủng hoảng. Nghiêm trọng hơn, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành dịch vụ, thực phẩm, đồ uống. Bên cạnh đó chỉ số sức mua giảm đáng kể, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt.

Ông Nguyễn Ngọc Kiên nhận định năm 2021, tình hình kinh tế không mấy khả quan đối với ngành kinh doanh dịch vụ F&B vì gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Tài trợ chuỗi cung ứng - giải pháp hữu hiệu giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng

Trước thực trạng khó khăn mà các doanh nghiệp F&B đang gặp phải, các đại biểu tham gia hội thảo đã tích cực đi sâu thảo luận về giải pháp tài chính hiệu quả giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng, đó là tài trợ chuỗi cung ứng

Tài trợ chuỗi cung ứng được xem là một giải pháp tối ưu vốn lưu động đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Giải pháp này phát triển nhanh chóng ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam và chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng.

Hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng hiện nay đang thay đổi theo xu hướng dịch chuyển sang chuỗi cung ứng số toàn cầu; tích hợp blockchain, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao giúp đơn giản hóa thủ tục quy trình, chi phí thấp hơn, kiểm soát tốt hơn, minh bạch hơn; cung ứng dịch vụ công nghệ tài chính Fintech.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tài trợ chuỗi cung ứng, ông Jin Chang Lai - Đại diện IFC gợi ý các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ SCM (Supply Chain Management - Quản trị chuỗi cung ứng). Dịch vụ này vừa giúp giải quyết được việc cung cấp nhà kho, dịch vụ lưu kho, quảng bá sản phẩm, marketing, phân tích dữ liệu… vừa kết nối dịch vụ bán lẻ với các nhà máy, giải quyết nhu cầu mua với số lượng lớn… Đây là loại hình dịch vụ phù hợp với các định chế tài chính.

Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng VPBank, công ty công nghệ tài chính (Fintech) VON và Velotrade cũng giới thiệu một số giải pháp mà các đơn vị này đã và đang triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp F&B trong tài trợ chuỗi cung ứng.

Tài trợ chuỗi cung ứng: Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành FB - 3
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và VPBank ký kết chiến lược.

Phát biểu kết thúc cuộc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá hội thảo là tín hiệu cho thấy sự chung tay của những định chế tài chính giúp vực dậy nền kinh tế F&B. Chủ tịch VCCA cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng và định chế tài chính nói chung mạnh dạn đi trước một bước để hỗ trợ thúc đẩy hệ thống SME và F&B đang lao đao.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và VPBank.