Tại sao Việt Nam lại nhập siêu mạnh từ Trung Quốc?
Nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh từ năm 2000. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỉ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối trên?
Nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh từ năm 2000. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ năm 2005 đến nay hầu như đều ở mức trên 15%/năm, cao hơn từ hai đến ba lần so với tỷ trọng của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
Yếu tố tỷ giá giữa hai nước
Tỷ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến cán cân thương mại và ngược lại. Thông thường các quốc gia muốn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sẽ theo đuổi một chính sách đồng tiền yếu. Hàng hoá sẽ trở nên rẻ tương đối so với các nước khác khi đồng tiền bản tệ bị định giá thấp.
Trong giai đoạn vừa qua, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc chủ động định giá đồng CNY thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tạo ra sự mất cân đối giữa các nền kinh tế trên thế giới.
Do sức ép lạm phát ở trong nước, Trung Quốc đã đồng ý nhượng bộ Mỹ nâng giá CNY từ tháng 6/2010. Đồng CNY đã liên tục mạnh lên kể từ thời điểm này. Tính cho đến ngày 31/5/2011, tỷ giá USD – CNY đã tăng thêm gần 5,2% đạt mức 6,478.
Thế nhưng, dường như những thay đổi tỷ giá giữa VND và CNY lại không có ảnh hưởng nhiều đến cán cân thương mại Việt – Trung. Tính từ đầu năm 2007 đến hết 2010, VND mất giá so với USD khoảng 21%. Trong khi đó, đồng USD lại mất giá so với đồng CNY khoảng 15,35% trong cùng khoảng thời gian. Điều này cho thấy tiền VND mất giá kép so với tiền CNY. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, thay vì suy giảm, lại tăng thêm 40%, từ mức 9,06 tỉ USD của năm 2007 lên mức 12,71 tỉ USD vào năm 2010.
Nguyên nhân từ cơ cấu xuất nhập khẩu
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc liên tục tăng kể từ khi hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Trung Quốc là đối tác đầu tiên ký thoả thuận mậu dịch tự do với khối ASEAN.
Nhưng đây chỉ là cơ sở pháp lý để Việt Nam chuyển mạnh nhập siêu từ các nước ASEAN sang Trung Quốc, khi đồng CNY vẫn yếu tương đối so với các đồng tiền trong khu vực trong những năm vừa qua. Còn bản chất của việc Việt Nam nhập khẩu từ các nước láng giềng chủ yếu là do cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu phần lớn máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu chế tác từ nước ngoài, sau đó gia công lắp ráp và xuất khẩu đi các nước khác.
Số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, cơ cấu của từng nhóm mặt hàng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn khá ổn định qua từng năm. Nhóm hàng hoá tiêu dùng và phương tiện giao thông vận tải thường chiếm từ 4 – 5,5%. Nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất chiếm từ 55 – 60%. Còn nhóm máy móc thiết bị chiếm từ 22 – 25%.
Nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất bao gồm các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu và khí đốt; chất dẻo, cao su, gỗ và hoá chất… và các nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như nguyên vật liệu dệt may da giày, chất dẻo, máy tính và hàng điện tử… Đa phần các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đều là sản phẩm đầu vào của các hãng xuất khẩu trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Do các ngành phụ trợ sản xuất nguyên vật liệu phục vụ xuất khẩu của Việt Nam chưa phát triển, nên Việt Nam buộc phải nhập từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này là một lẽ tự nhiên bởi Trung Quốc ở gần Việt Nam. Khoảng cách địa lý thuận lợi sẽ giúp cho việc vận chuyển hàng hoá dễ dàng với chi phí thấp.
Đơn cử như hàng dệt may da giày, Việt Nam nhập rất nhiều sợi và da giày từ Trung Quốc, nhưng lại xuất rất nhiều thành phẩm cuối cùng sang các thị trường lớn khác như EU và Mỹ. Hàng máy tính và linh kiện điện tử, chất dẻo… cũng tương tự như vậy.
Đối với nhóm hàng hoá máy móc thiết bị, Việt Nam ưa chuộng hàng Trung Quốc bởi công nghệ của Trung Quốc thường không quá đắt và phù hợp với tài chính của các doanh nghiệp trong nước.
Hơn nữa, sản phẩm sản xuất trong nước lại không phải đáp ứng các chất lượng tiêu chuẩn khắt khe của hàng xuất khẩu nên việc lựa chọn các máy móc thiết bị từ Trung Quốc là phù hợp.
Còn với các hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam thường xuất thô hoặc xuất khẩu hàng sơ chế nên các máy móc sản xuất cũng không quá phức tạp, và việc lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu tư lớn.
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng mạnh là do các nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu ở các công trình lớn và quan trọng tại Việt Nam, chủ yếu là xây dựng các nhà máy nhiệt điện, phân đạm, ximăng, bôxít, đường sắt…
Với chi phí nhân công tại Trung Quốc thấp, máy móc thiết bị rẻ hơn và nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tỷ giá đồng CNY yếu, đã khiến cho giá bỏ thầu của các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài khác và các doanh nghiệp Việt Nam.
Các gói thầu mà doanh nghiệp Trung Quốc trúng thường được thực hiện theo hình thức EPC, tức là các nhà thầu Trung Quốc sẽ làm trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây dựng. Các chủ đầu tư trong nước chỉ làm nốt công đoạn cuối là vận hành và sử dụng.
Một số công trình lớn của Việt Nam đang do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận bao gồm: nhà máy đạm Cà Mau; nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2; nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2; nhiệt điện Kiên Lương; dự án đường sắt nội đô Hà Nội gói thầu 350 triệu USD; dự án dây chuyền 2 ximăng Nghi Sơn và dự án ximăng Công Thanh; dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây; dự án khai thác bô xít Tây Nguyên và nhiều dự án khác nữa…
Tuy nhiên, đồng CNY của Trung Quốc đang có xu hướng mạnh lên. Hàng hoá Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn và có thể Việt Nam sẽ lại quay sang nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN hoặc Ấn Độ để đáp ứng các nhu cầu chế tác của mình.
Số liệu cho thấy, bốn tháng đầu năm 2011 tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm thấp hơn so với năm 2009 và 2010, trong khi nhập siêu tổng thể vẫn tăng mạnh.
Vì thế, nhập siêu tổng thể của Việt Nam chỉ có thể giảm nếu như Việt Nam xây dựng được một chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Theo Nguyên Minh Cường
SGTT