Tại sao vàng chưa tăng giá?

Cũng như tình thế của giá vàng thế giới, vàng trong nước nằm trong trạng thái không sẵn sàng tăng, nhưng lại sẵn sàng… giảm. Trong những ngày qua, cơ hội cho tăng giá đã bị bỏ lỡ, nhưng những người bỏ lỡ cơ hội ấy lại chính là SJC và một số ngân hàng lớn.

Gần sát với nhận định của chúng tôi, trong tuần qua giá vàng thế giới đã tăng nhẹ với tỷ lệ khoảng 3,5%, đạt đến ngưỡng 1.750 USD/oz. Sau 3 tuần kéo ngang mà không vượt qua được vùng 1.650-1.680 USD/oz, tỷ lệ tăng tương đối khá của giá vàng trong những ngày gần đây đã khiến giới đầu tư vàng bớt bi quan về tương lai ngắn hạn của nó. Với cú vượt trên ngưỡng 1.700 USD/oz, giá vàng đã đi vào kịch bản khả quan nhất mà chúng tôi đặt ra.

 

Thậm chí, tại một trong những phiên giao dịch gần đây, Quỹ SPDR còn tiến hành mua vào đến 6 tấn vàng, cho thấy động thái của tổ chức này đã bớt thận trọng hơn là xu hướng bán ròng trước đó, cũng như phản ánh khả năng có thể đi lên tiếp của giá vàng trong vài tuần tiếp tới.

 

Xu hướng bứt phá gần đây của giá vàng cũng khá trái ngược với những kết quả thăm dò của tổ chức phân tích giá vàng quốc tế Kitco. Trong tuần trước, hơn một nửa số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích được Kitco khảo sát đã tỏ ra bi quan về xu hướng của vàng, thế nhưng thực tế giá vàng lại tăng. Trong khi đó vào tuần trước nữa, trong khi có đến hai phần ba số người được Kitco thăm dò cho rằng giá vàng đi lên thì thực tế vàng lại chỉ dao động ngang.

 

Cần nhắc lại, có nhiều ý kiến dự báo về giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn từ giới phân tích và nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, John Taylor là trường hợp mà chúng ta nên chú ý hơn cả, ít ra trong tháng 11 tới đây. Bởi, vị chủ tịch của FX Concepts LLC - quỹ đầu tư tiền tệ lớn nhất thế giới - vào tháng 10/2011 đã là một trong số hiếm hoi chuyên gia dám nêu ra dự báo ngắn hạn cụ thể cho giá vàng. Theo ông, vào đầu tháng 11/2011, giá vàng có thể chạm mức 1.750-1.800 USD/oz. Dự báo này được ông nêu ra khi giá vàng còn đang kéo ngang ở vùng 1.620-1650 USD/oz.

 

Thực tế trong tuần qua cho thấy giá vàng đã chinh phục được ngưỡng 1.750 USD/oz, sớm hơn dự báo của John Taylor một chút. Tuy nhiên, sự lệch pha này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến chất lượng dự báo của ông.

 

Cách đây khoảng 4 tháng, sự lệch pha như thế cũng đã từng xảy ra, ứng với dự báo của John Taylor về việc giá vàng từ mốc 1.600 USD/oz sẽ chinh phục mốc 1.900 USD/oz trong tháng 10/2011, và 1.900 USD/oz sẽ là đỉnh của giá vàng. Thực tế xảy ra đã gần đúng như thế.

 

Chúng tôi vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào dự báo của John Taylor cho xu hướng vận động của giá vàng thế giới trong tuần này và có thể kéo dài đến giữa tháng 11/2011. Vùng 1.750-1800 USD/oz có thể sẽ là khoảng dao động tối đa, sau đó nhiều khả năng giá vàng sẽ tuột dốc.

 

Những câu hỏi cần đặt ra là tại sao giá vàng có thể sẽ khó vượt qua ngưỡng 1.800 USD/oz? Lời giải đáp cho câu hỏi này có lẽ tùy thuộc vào sự lý giải cho câu hỏi tại sao giá vàng lại tăng khá tốt trong tuần qua.

 

Một khi yếu tố suy thoái kinh tế thế giới đã không còn ngự trị như hình ảnh của một con ngáo ộp, giá vàng cũng không còn nhiều cớ để đe dọa nhu cầu bình ổn lạm phát. Khi đã gần như loại trừ việc những khó khăn và bất ổn kinh tế liên tục là nguồn cơn gây nên cơn bão giá vàng, thì thậm chí việc giữ được vùng giá đỉnh cũng đã trở nên một thách thức lớn cho vàng thế giới.

 

Chính vì thế, trong suốt hơn hai tháng qua, một hiện tượng nghịch lý xảy ra khi giá vàng lại phụ thuộc vào giá chứng khoán trong mối quan hệ đồng pha. Tuy vậy, đồng pha nhưng không đồng tỷ lệ. Mười ngày gần đây, trong khi chỉ số chứng khoán Dow Jones và Nasdaq của Mỹ có độ tăng lần lượt là 15% và 17%, giá vàng thế giới lại chỉ tăng được 8%, bằng phân nửa tốc độ tăng của Dow Jones.

 

Việc các thị trường chứng khoán của Mỹ và châu Âu tăng mạnh là một tín hiệu thật sự khả quan cho nền kinh tế thế giới. Trước khi Hy Lạp được Cộng đồng châu Âu quyết định xóa 50% nợ vay, chỉ số chứng khoán Âu-Mỹ đã nhấp nhá phục hồi. Sau đó, khi Dow Jones liên tiếp vượt qua mốc 11.800 điểm, rồi 12.000 điểm, chúng ta đã có thể rút ra một kết luận tạm thời là dù trong trường hợp xấu nhất, chỉ số này cũng không giảm sâu so với đáy gần nhất là 10.600 điểm.

 

Với xu hướng phục hồi khá tốt, Dow Jones còn có thể thiết lập trạng thái tăng trưởng ngắn hạn trong 2-3 tháng tới. Đó cũng là khoảng thời gian cuối năm 2011, với chỉ số GDP của Mỹ được xác định là 2,5% - tỷ lệ khả quan nhất trong năm 2011 nếu so với mức chỉ 1,3% vào quý 2-3 năm nay.

 

Mặt khác, cũng cần chú ý là hai thị trường chứng khoán được xem là tệ nhất châu Âu - Hy Lạp và Síp - đã có bước phục hồi ấn tượng từ vùng đáy gần nhất. Đặc biệt tại Hy Lạp, đà bán tháo cổ phiếu đã không còn diễn ra ồ ạt. Nếu trong thời gian tới, chỉ số chứng khoán Hy Lạp giữ được vùng đi ngang ổn định thì có thể hy vọng là nền kinh tế châu Âu đang tiếp cận với vùng đáy của suy thoái.

 

Điều băn khoăn còn lại của chúng tôi là biến động phục hồi thiếu ổn định của Dow Jones. Tương ứng với những biến động rất mạnh trong hai tháng trước, đợt phục hồi vừa qua của chỉ số này cũng làm nên một đường tăng gần như thẳng đứng, biên độ phục hồi của một số phiên là rất mạnh, và cho tới cuối tuần qua Dow Jones đã tăng đến 15% so với đáy.

 

Chiều hướng vận động hiện thời của Dow Jones khác cơ bản với vận động phục hồi của chỉ số này trong giai đoạn nửa cuối năm 2010. Vào thời gian đó, Dow Jones tăng nhẹ và ổn định hơn, với độ khởi động chỉ khoảng 5-6% để sau đó tăng đều.

 

Vì thế, có lẽ không nên lạc quan lắm khi cho rằng Dow Jones sẽ tiếp tục tăng trưởng và chinh phục đỉnh cũ 12.800 điểm trong thời gian tới. Ngược lại, chúng ta cần có cái nhìn sát thực hơn là nhiều khả năng chỉ số này, cùng với các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu, sẽ điều chỉnh giảm trở lại trong vài tuần tới.

 

Nếu thị trường chứng khoán thế giới rơi vào trạng thái giảm điều chỉnh, giá vàng cũng không phải ngoại lệ. Quy luật diễn biến đồng pha nhưng không đồng tỷ lệ giữa giá vàng và giá chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra: giá vàng tăng ít hơn chứng khoán nhưng lại giảm mạnh hơn chứng khoán. Nếu hiện tượng này xảy ra trong thời gian tới, John Taylor lại có thêm lý do để xác nghiệm dự báo của ông.

 

Trong bối cảnh biến động phức tạp trên, giá vàng trong nước ra sao? Cần chú ý là trong mười ngày qua, giá vàng trong nước tuy tăng nhưng không đáng kể - chỉ vỏn vẹn 5%, tức còn thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ tăng 8% của giá vàng thế giới, thiết lập vùng dao động 43-45,5 triệu đồng/lượng.

 

Cũng như tình thế của giá vàng thế giới, vàng trong nước nằm trong trạng thái không sẵn sàng tăng, nhưng lại sẵn sàng giảm. Trong những ngày qua, cơ hội cho tăng giá đã bị bỏ lỡ, nhưng xin lưu ý là những người bỏ lỡ cơ hội ấy lại chính là SJC và một số ngân hàng lớn. Hiện tượng này khác hẳn với khoảng thời gian 3 tháng trước đây, khi chỉ cần giá vàng thế giới tăng nhẹ là giá vàng trong nước đã leo thang mạnh.

 

Tại sao cơ hội trên lại bị bỏ lỡ? Chắc chắn không phải ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có ẩn ý. Ẩn ý đó có lẽ tùy thuộc vào quan niệm của Ngân hàng nhà nước và SJC về diễn biến trung hạn và có thể cả dài hạn của giá vàng, được thể hiện qua một tài liệu mới nhất là bản dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng trình lên Chính phủ, hơn là động cơ đánh lên của những nhóm đầu cơ nhỏ.

 

Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi giá vàng trong nước giảm cùng chiều nhưng với tỷ lệ mạnh hơn so với giá vàng thế giới, nếu vàng thế giới không còn giữ được thế đi ngang trong thời gian tới.

 

Theo Trường Sơn
VEF