1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tại sao Trường Thành Group chọn năng lượng tái tạo là trọng tâm?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, đầu ra cho các công ty sản xuất điện gần như sẽ được đảm bảo.

Tại sao Trường Thành Group chọn năng lượng tái tạo là trọng tâm? - 1

Tuy nhiên, bài toán trong kinh doanh ngành điện sẽ không đúng với mọi đáp án. Trong khi thủy điện phải chịu nhiều tác động từ thời tiết thủy văn, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ là giải pháp thay thế quan trọng "gỡ khó" cho bài toán tăng nhu cầu.

Nhu cầu dùng điện tiếp tục tăng

Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở mức cao khiến ngành sản xuất điện hiện tại phải liên tục phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong sinh hoạt và sản xuất.

Trong vòng 10 năm qua, tiêu thụ điện tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,36 tỷ kWh, gấp hơn hai lần so với năm 2010, CARG giai đoạn 2010-2018 đạt gần 11%. Theo tình toán của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8,2%/năm trong 20 năm tới.

Do đó, từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần lắp đặt thêm khoảng 5.000 MW công suất nguồn điện mới (gồm cả năng lượng tái tạo), theo tinh thần của Nghị quyết 55. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vì thế đánh giá, mỗi năm Việt Nam sẽ cần 7-10 tỷ USD phát triển các nguồn năng lượng, chưa kể vốn cho phát triển hệ thống truyền tải điện. Con số này cao hơn mức 8 tỷ USD ở giai đoạn trước.

Tuy nhiên, mục tiêu "không để thiếu điện" vẫn được xem là một thách thức không nhỏ.

Trong báo cáo phân tích đầu năm nay, Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu hụt điện năng trong giai đoạn 2020 - 2022. Thậm chí, EVN có thể phải tiếp tục huy động điện từ các dự án nhiệt điện than và nhiệt điện khí để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ thủy điện. Theo ước tính của VNDirect, mức tiêu thụ điện năng tại Việt Nam có thể đạt tới 350 tỷ kWh vào năm 2025, với tốc độ bình quân giai đoạn 2018-2025 là gần 9%/năm.

Điều này là bài toán khó cho các cơ quan quản lý, nhưng lại là một mệnh đề quan trọng cho nhiều doanh nghiệp sản xuất điện - với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, đầu ra cho các công ty sản xuất gần như sẽ được đảm bảo. Câu hỏi lúc này là chiến lược phát triển như thế nào được xem là hợp lý.

Tại sao Trường Thành Group chọn năng lượng tái tạo là trọng tâm? - 2

Nhưng thủy điện có thể không phải là lời giải phù hợp

Trong bối cảnh điện than - nguồn năng lượng chủ yếu trong thế kỷ trước - bị lên án vì vấn đề môi trường, những nguồn năng lượng tái tạo trở thành mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng tới. Một trong số đó là Thủy điện.

Mặc dù được đánh giá là nguồn năng lượng "sạch" và "hợp thời", mang lại dòng tiền ổn định, nhưng Thủy điện không phải không có điểm yếu. Trong đó, một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất gần đây là rủi ro từ tình hình thủy văn.

Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2020, Công ty chứng khoán KB Việt Nam nhận xét, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các nhà máy thủy điện hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do các hồ thủy điện rất khó tích đủ nước.

Hầu hết các hồ lớn khu vực miền Bắc chỉ đạt từ 25-70% trung bình hàng năm. Ở khu vực miền Trung tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ có nước về thấp hơn, chỉ đạt từ 20-40%, còn ở miền Nam cũng chỉ đạt 40-70%. Theo chúng tôi, tình hình sẽ chỉ biến chuyển biến tích cực hơn vào thời điểm mùa mưa", nhóm phân tích của KB cho biết.

Tại sao Trường Thành Group chọn năng lượng tái tạo là trọng tâm? - 3

Thực tế, không riêng KB Việt Nam, vấn đề thủy văn đã liên tục được nhắc đến gần đây, không chỉ trong báo cáo của các công ty chứng khoán, mà còn trong giải trình của nhiều doanh nghiệp thủy điện niêm yết.

"Tình hình thủy văn chưa thuận lợi" trở thành lời diễn giải phổ biến giải thích về kết quả kinh doanh quý II kém tích cực của nhiều thủy điện. Trong số 20 doanh nghiệp thủy điện niêm yết, có tới 12 đơn vị sụt giảm lợi nhuận, 6 đơn vị báo lỗ trong quý II năm nay khi so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Sông Ba, đơn vị vận hành thủy điện Krông H’năng trên địa bàn Đắk Lắk - Phú Yên và thủy điện Khe Diên trên địa bàn Quảng Nam, ghi nhận lợi nhuận quý II giảm hơn 90% cùng kỳ. Kết quả sụt giảm kinh doanh cũng diễn ra với Thủy điện Thác Mơ hay Thủy điện Miền Nam, thậm chí Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh còn lỗ quý thứ hai liên tiếp. Điểm chung của những doanh nghiệp này là lý do "thời tiết diễn biến thất thường".

Trong báo cáo về tình hình 8 tháng, chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tiết lộ tình hình nước về các hồ thuỷ điện thấp khiến lượng huy động từ nguồn điện này tiếp tục giảm, chỉ đạt 39,03 tỷ kWh. Diễn biến bất lợi này khiến EVN buộc phải huy động tăng từ điện than, chạy dầu đạt lần lượt gần 89 tỷ kWh và 1,04 tỷ kWh... để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Hy vọng từ điện mặt trời

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong mảng năng lượng, chính thực tế này đã khiến Trường Thành Group (TTA), dù đi lên từ mảng thủy điện, nhưng đã chọn điện mặt trời là trọng tâm trong tương lai.

Bản cáo bạch niêm yết của doanh nghiệp này cho biết, Trường Thành Group ghi dấu ấn trong những năm đầu với việc vận hành thành công hai nhà máy thủy điện là Ngòi Hút (48MW) và Ngòi Hút 2A (8,4MW). Công ty cho biết định hướng những năm tới sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường hiệu quả các nhà máy thủy điện đã vận hành. Tuy nhiên, do "phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo đang là xu thế phát triển chung trên thế giới, cũng như Việt Nam", công ty xác định điện gió và điện mặt trời là hai mảng trọng tâm trong tương lai.

Cuối năm 2019, Trường Thành Group đã vận hành dự án điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ với công suất gần 62 MW, tổng quy mô đầu tư xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

"Điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ là bước đệm quan trọng để Trường Thành tiếp tục triển khai các dự án mới tại Ninh Thuận, khẳng định vị thế của Trường Thành trong lĩnh vực năng lượng sạch", bản cáo bạch viết.

Dự kiến ngay trong quý IV năm nay, công ty sẽ vận hành dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 tại Ninh Thuận với công suất 50 MW, quy mô hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2021, dự án điện gió đầu tiên dự kiến sẽ được triển khai tại Bình Định với quy mô gần 1.600 tỷ đồng.

Không chỉ đặt mục tiêu mang tính hình thức là chuyển trọng tâm sang điện mặt trời và điện gió, các dự án của Trường Thành Group cũng thể hiện quyết tâm với việc đầu tư bài bản thiết bị từ các đối tác Mỹ và thế giới. Tại dự án Hồ Bầu Ngứ, công nghệ pin năng lượng được Trường Thành sử dụng của tập đoàn Canadian Solar, trong khi công nghệ chuyển đổi bức xạ Inverter được sử dụng của Tập đoàn General Elecrics của Mỹ.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần, giải pháp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đang được nhiều nước quan tâm thực hiện. EIA dự báo đến năm 2040 nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng trên toàn thế giới. "Đây là một xu hướng không thể đảo ngược của lĩnh vực năng lượng", báo cáo EIA viết.

Tại Việt Nam, quy hoạch điện VIII đưa ra 6 kịch bản phát triển nguồn điện và ở tất cả các kịch bản đều tăng tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Theo kịch bản của Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII - đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32% tổng cơ cấu nguồn sản xuất của Việt Nam, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050./.