Tại sao những chiếc đồng hồ Richard Mille lại đắt tới vậy?
Giây phút Thomas Perkins, nhà vô địch của giải đua thuyền Perini Navi Cup – một giải đua do Richard Mille tài trợ, đồng thời là chủ nhân của chiếc du thuyền Perini Navi mang tên Maltese Falcon, tuyên bố trên truyền hình Mỹ rằng với giá của 1 một chiếc Richard Mille anh ta có thể mua được 1 khay Rolex, đã khiến dư luận dấy lên 1 câu hỏi rằng: Tại sao những chiếc đồng hồ Richard Mille lại đắt tới vậy?
Không lâu sau đó, khi Richard Mille đang trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ CNBC, một phóng viên đặt câu hỏi cho ông rằng liệu ông có thể bán hết được số đồng hồ làm bằng đá sapphire trị giá 2 triệu đô không. “Tôi đã bán hết rồi.” Mille trả lời. “Bạn phải hiểu rằng đây là những chiếc đồng hồ rất thiên về mặt kĩ thuật.” Tay phóng viên nọ im lặng trong sự ngờ vực rằng không thể có chiếc đồng hồ nào xứng đáng với cái giá cao ngất ngưởng như vậy. Nhưng như Mille nói, “thiên về mặt kĩ thuật” ở đây nghĩa là gì? Câu trả lời, dĩ nhiên, không hề đơn giản, và nó giải thích lý do tại sao những chiếc đồng hồ Richard Mille có thể thuyết phục người ta móc hầu bao ra hàng triệu đô la để sở hữu.
Yếu tố đầu tiên, đó chính là bộ vỏ. Ở đây tôi muốn đề cập tới hình dáng tonneau-shaped đặc trưng của vỏ đồng hồ Richard Mille. Kết cấu bộ vỏ theo kiểu sandwich của đồng hồ Richard Mille là một trong những kết cấu khó tạo ra nhất và tốn kém nhất trong ngành chế tác đồng hồ. Từng phần một, từ trên xuống dưới: mặt đồng hồ, thân đồng hồ và mặt sau, tất cả đều có thiết kế cong và không bao giờ phẳng tuyệt đối. Chế tác và gia công trên một mặt phẳng bao giờ cũng dễ hơn so với mặt cong, và cả 3 phần cấu tạo nên đồng hồ này đều phải khít với nhau tới 1 phần 100 của 1 milimet để đảm bảo rằng bụi hoặc không khí không thể xâm nhập vào bên trong gây oxy hóa các bộ phận đồng hồ.
Yếu tố thứ hai, đó là các vật liệu cấu thành nên bộ vỏ và khung đỡ của đồng hồ Richard Mille thường được sử dụng trong các lĩnh vực như xe đua Công thức 1, tàu vũ trụ hay đua thuyền. Những vật liệu này tận dụng những công nghệ hàng đầu trong nhiều ngành khác nhau, không chỉ trong ngành đồng hồ. Chúng không những xa lạ với ngành kĩ thuật cơ khí nói chung, công năng của những vật liệu kim loại này trong ngành chế tác đồng hồ nói riêng vẫn còn là một ẩn số. Mille đã hi sinh hàng năm trời – đầu tư hàng trăm triệu Swiss franc vào chúng – để có thể hiểu được những loại vật liệu này và tìm ra cách đưa chúng vào công cuộc chế tác đồng hồ của ông.
Richard Mille RM 009 mặc dù không sử dụng 1 gram đá quý nào vẫn là bộ vỏ tốn kém nhất từng được chế tạo khi sử dụng vật liệu ALUSIC - được nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích chế tạo vệ tinh vũ trụ
Đối với chiếc RM009, Richard Mille muốn sử dụng một thứ kim loại hội tụ đủ 2 yếu tố, đó là siêu nhẹ và siêu bền. ALUSIC là vật liệu đã đáp ứng đủ những yêu cầu đó. Một sự kết hợp của aluminum và các hạt slicium carbide quyện vào với nhau trong máy ly tâm, một loại vật liệu hoàn toàn nhân tạo, không có trong tự nhiên. Được nghiên cứu và phát triền nhằm mục đích chế tạo vệ tinh vũ trụ, đây thật sự là một cơn ác mộng đối với những người tạo ra ALUSIC và cả những người phải sử dụng nó để gia công. ALUSIC cứng tới nỗi tất cả các phương pháp chế tác gia công thông thường đều thất bại. Trên thực tế, những bộ phận dùng để gia công trên máy CNC đều bị kim loại ALUSIC làm cho hao mòn. Mặc dù không sử dụng 1 grams đá quý nào, đây vẫn là bộ vỏ tốn kém nhất từng được chế tạo.
Đối với series RM056, có bộ vỏ được chế tạo hoàn toàn từ đá sapphire, Mille đã khám phá ra những cách tiếp cận mới trong việc mài loại đá quý chỉ cứng thứ 2 sau kim cương này tới kích thước phù hợp của một bộ vỏ tonneau-shaped. Mài các bề mặt phẳng thì dễ; nhưng với các bề mặt cong phức tạp hơn thì là một chuyện hoàn toàn khác. Phương pháp này yêu cầu bề mặt đá phải được mài bằng sóng siêu âm trong khi đang nhúng vào một chiếc hộp chứa một loại bùn đặc biệt đầy các hạt kim cương li ti, nơi hiệu quả của việc mài bóng này là không thể đo lường được. Tỷ lệ thành công của phương pháp này cực kì thấp, đặc biệt là khi cả 3 phần của vỏ đồng hồ phải vừa khít với nhau tới 1 phần 100 của 1 milimet.
Ngoài phần vỏ của Richard Mille, bộ chuyển động bên trong cũng không hề đơn giản chút nào. Chúng thường phải trải qua một quá trình tái thiết kế và phủ lên các lớp vật liệu mới như PVD hay Titalyt. Những bộ phận cấu tạo nên bộ chuyển động thường là một sự kết hợp giữa Titanium và các vật liệu do đội ngũ kĩ thuật và chế tác đồng hồ của Richard Mille hoàn thiện sau nhiều năm nghiên cứu.
Ở một mẫu đồng hồ khác, chẳng hạn như chiếc RM018 Hommage à Boucheron, bộ bánh răng chuyền động được tạo nên bởi những bánh xe làm bằng một loại đá quý được mài bằng cách đặt vào trong chì nóng chảy cho đến khi được định hình lúc chì nguội. Quá trình này mất hàng năm trời nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ kĩ thuật và kĩ sư vi cơ học của Richard Mille.
Đồng hồ Richard Mille giống như những chiếc xe đua Công thức 1: sử dụng những công nghệ tân tiến nhất trong lĩnh vực tận dụng các vật liệu có hiệu năng cao, kết hợp với hoàn thiện và gia công bằng tay, tận dụng những cơ chế kĩ thuật phức tạp và sản xuất số lượng hạn chế.
Sự so sánh giữa xe đua Công thức 1 và đồng hồ Richard Mille là tất cả những lý do để giải thích cho cái giá cao ngất ngưởng của đồng hồ RM. Đồng hồ của Richard là những “cỗ xe đua” đắt đỏ nhất trên cổ tay. Cũng như những chiếc xe đua Công thức 1 vậy, chúng không chỉ là một sự tập hợp đơn thuần những bộ phận cơ khí, mà còn là đại diện cho nghệ thuật chế tác đồng hồ đỉnh cao.
K.Hoàng