Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ xảy ra trong năm 2023?
(Dân trí) - Suy thoái thường khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng có khả năng cuộc suy thoái tiếp theo không khi mà ai cũng cho rằng suy thoái sẽ xảy ra trong năm sau?
Nhiều tháng nay, các nhà kinh tế đã đưa ra dự đoán về một cuộc suy thoái và hầu hết đều cho rằng nó sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm tới. Cho dù đến nay, vẫn còn nhiều tranh luận về cuộc suy thoái sẽ nông hay sâu, ngắn hay dài, nhưng hầu hết đều đồng thuận rằng nền kinh tế sắp bước vào một thời kỳ đi xuống.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho biết: "Trong lịch sử, khi lạm phát cao, Fed sẽ tăng lãi suất để dập tắt lạm phát, kết quả là đẩy nền kinh tế sụt giảm hoặc suy thoái. Điều đó luôn luôn xảy ra. Chúng tôi đã từng chứng kiến câu chuyện này trước đó. Khi lạm phát tăng vọt, Fed sẽ tăng lãi suất và cuối cùng nền kinh tế sẽ chịu sức ép của lãi suất cao".
Zandi là một trong số ít nhà kinh tế tin rằng Fed có thể tránh được suy thoái bằng cách tăng lãi suất vừa đủ để tránh làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng cao là nền kinh tế sẽ không đủ sức chống đỡ.
"Thường thì suy thoái sẽ đến bất thình lình và các CEO sẽ rất ít khi đề cập đến suy thoái. Nhưng hiện nay, dường như CEO nào cũng nói đang rơi vào suy thoái. Trên tivi mọi người đều bàn về suy thoái. Các nhà kinh tế cũng đề cập đến suy thoái. Tôi chưa thấy như vậy bao giờ", Zandi nói.
Fed là nguyên nhân gây suy thoái
Trớ trêu thay, Fed đang khiến nền kinh tế chậm lại sau khi ra tay giải cứu hai cuộc suy thoái vừa qua. Thời điểm đó, ngân hàng trung ương Mỹ đã kích thích nhu cầu vay nợ bằng cách đưa lãi suất về 0 và tăng thanh khoản cho thị trường bằng cách chi thêm hàng nghìn tỷ USD vào tài sản trong bảng cân đối kế toán. Còn hiện nay, Fed đang thu hẹp bảng cân đối và liên tục tăng lãi suất từ 0% lên 4,25-4,5% trong tháng này.
Nhưng ở hai cuộc suy thoái trước, các nhà hoạch định chính sách không phải lo nghĩ nhiều đến lạm phát cao ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Còn hiện giờ, Fed đang có một cuộc chiến khốc liệt với lạm phát. Họ dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, lên khoảng 5,1% vào năm tới. Các nhà kinh tế cho rằng, có khả năng Fed sẽ duy trì mức cao đó để kiểm soát lạm phát.
Lãi suất cao hơn đang gây thiệt hại cho thị trường nhà ở. Doanh số bán nhà tháng 11 của Mỹ giảm 35,4% so với năm ngoái. Đáng chú ý đây là tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Lãi suất vay thế chấp 30 năm tiệm cận mốc 7%. Lạm phát tiêu dùng tháng 11 vẫn ở mức cao, tăng 7,1% so với mức hàng năm.
Suy thoái đến mức nào?
Suy thoái kinh tế được coi là tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài, ảnh hưởng rộng rãi đến nền kinh tế và thường kéo dài trong 2 quý hoặc hơn. Văn phòng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NBER) sẽ là cơ quan phân định mức độ suy thoái như thế nào, mức độ ảnh hưởng và kéo dài bao lâu.
Tuy nhiên, nếu yếu tố nào đủ nghiêm trọng, NBER có thể tuyên bố suy thoái. Ví dụ, đợt suy thoái do đại dịch năm 2020 diễn ra quá đột ngột và gay gắt với tác động trên diện rộng nên được xác định là suy thoái, mặc dù nó chỉ diễn ra rất ngắn.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho rằng, bà hy vọng đây là một cuộc suy thoái ngắn và nông. "Tin tốt là chúng ta có khả năng hồi phục rất nhanh. Chúng ta có bảng cân đối kế toán tốt và bạn sẽ nhận thấy lãi suất thấp hơn khi Fed bắt đầu nới lỏng. Suy thoái do Fed gây ra không phải là suy thoái bảng cân đối kế toán", bà nói.
Dự báo kinh tế mới nhất của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ 0,5% vào năm 2023 và không có suy thoái.
Fed có khả năng đảo ngược?
Vẫn chưa rõ các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ giữ lãi suất cao trong bao lâu. Song các nhà giao dịch trên thị trường kỳ hạn kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Còn dự báo riêng của Fed thì lãi suất bắt đầu giảm từ năm 2024.
Bà Swonk tin rằng Fed sẽ phải đảo ngược chính sách lãi suất bất kỳ lúc nào nếu xảy ra suy thoái. Nhưng ông Tom Simons, chuyên gia kinh tế thị trường tiền tệ tại Jefferies, lại dự đoán suy thoái sẽ kéo dài đến cuối năm 2024 trong thời kỳ lãi suất cao.
"Thị trường rõ ràng nghĩ Fed sẽ đảo ngược lãi suất nếu mọi thứ đi xuống", ông Simons nói và cho rằng, nhưng có khả năng điều đó không xảy ra sớm vì Fed cần cam kết với nhiệm vụ chống lạm phát.
Hai cuộc suy thoái gần đây nhất xảy ra sau những cú sốc. Cuộc suy thoái năm 2008 bắt đầu từ hệ thống tài chính. Nhưng theo ông Simons, cuộc suy thoái sắp xảy ra sẽ không giống như vậy.
Mặc dù nguy cơ suy thoái đã xuất hiện trong một thời gian, nhưng cho đến nay, các chính sách của Fed vẫn chưa thực sự làm suy yếu thị trường việc làm và hạ nhiệt nền kinh tế thông qua thị trường lao động. Nhưng các thông báo sa thải đang gia tăng và một số nhà kinh tế nhìn thấy khả năng việc làm sẽ giảm vào năm tới.
"Hồi đầu năm, chúng ta có 600.000 việc làm mới mỗi tháng và giờ chỉ còn khoảng 250.000. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy con số 100.000 việc làm và vào năm tới, con số này sẽ cơ bản về 0. Điều đó tuy không đủ để gây ra suy thoái nhưng cũng đủ để hạ nhiệt thị trường lao động", ông Zandi nói và cho rằng có thể số lượng việc làm sẽ giảm trong năm tới.
"Điều trớ trêu ở đây là mọi người đều mong suy thoái sẽ xảy ra", ông nói và cho rằng điều đó có thể khiến Fed không phải thắt chặt quá nhiều để bóp nghẹt nền kinh tế.
Song bà Swonk cho rằng, Fed sẽ không dễ dàng để từ bỏ chiến dịch chống lạm phát cho đến khi tin rằng đã chiến thắng được nó.