Tài sản ông Phạm Nhật Vượng khi dành 50.000 tỷ đồng "tiền túi" cho VinFast

Mai Chi

(Dân trí) - Với khối tài sản hơn 4 tỷ USD, người giàu nhất Việt Nam từng nhấn mạnh dành mọi nguồn lực cho dự án xe điện, "tất cả cho VinFast".

Theo cam kết mới nhất vừa được, Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố, từ nay đến hết năm 2026, Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng và mức tài trợ dự kiến từ ông Phạm Nhật Vượng là 50.000 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.

Khoản tài trợ 50.000 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng trên tư cách Tổng giám đốc và cổ đông lớn của VinFast, được cho là thu xếp từ các nguồn tài sản cá nhân, không ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông Vingroup và VinFast.

Theo thông tin, nguồn này để đảm bảo tài chính cho VinFast phát triển bền vững, mạnh mẽ ngay cả khi không tự huy động thêm vốn, giúp VinFast chỉ cần tập trung vào nghiên cứu phát triển, sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, theo Forbes. Tài sản ròng của Chủ tịch Vingroup tại ngày 12/11 là 4,1 tỷ USD.

Tài sản ông Phạm Nhật Vượng khi dành 50.000 tỷ đồng tiền túi cho VinFast - 1

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam, theo Forbes (Ảnh: Bloomberg).

Còn theo dữ liệu thể hiện tại báo cáo quản trị công ty bán niên của Vingroup thì ông Vượng đang sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC tương ứng 17,82% vốn điều lệ tập đoàn này. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa phiên 12/11 tại mức giá 40.550 đồng. Như vậy, tài sản cá nhân của ông Vượng tính theo giá VIC đạt 28.031 tỷ đồng.

Tuy vậy, sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Vượng tại Vingroup vẫn giữ ở mức hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC tương ứng khoảng 63% vốn điều lệ tập đoàn. Giá trị tài sản trên sàn của nhóm cổ đông liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng thông qua sở hữu cổ phiếu Vingroup ước tính trên 97.320 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhật Vượng từng tuyên bố tại phiên họp cổ đông diễn ra hồi tháng 4 rằng "VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội, VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới".

Người đứng đầu Vingroup nhấn mạnh việc dành mọi nguồn lực cho dự án này, "tất cả cho VinFast". Thời điểm đó, ông Vượng cho hay, sau khi cam kết dành 1 tỷ USD cho VinFast sẽ tiếp tục thu xếp tài sản cá nhân cho dự án này, ít nhất 1 tỷ USD nữa.

Trung tuần tháng 6, xuất hiện trước truyền thông nước ngoài, ông Phạm Nhật Vượng một lần nữa khẳng định, sẽ hỗ trợ tài chính cho VinFast "cho đến khi hết tiền thì thôi".

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, tại ngày 30/9, tổng tài sản của tập đoàn này đạt 791.474 tỷ đồng, tăng 18,5% so với 31/12/2023. Tiền và các khoản tương đương tiền lên tới 27.040 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 6.425 tỷ đồng giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn ở ngân hàng.

Tài sản ngắn hạn tại ngày 30/9 là 423.991 tỷ đồng, tăng gần 80.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là 128.230 tỷ đồng, tăng hơn 35.600 tỷ đồng.

Thông cáo từ Vingroup cho hay, kế hoạch hỗ trợ trên nhằm giúp VinFast có đủ nguồn lực và thêm dự phòng để tài trợ hoạt động kinh doanh, các khoản đầu tư thiết yếu và hoàn thành các nghĩa vụ khác của công ty, hướng đến mục tiêu đến hết năm 2026, công ty đạt điểm hòa vốn và tự cân đối được dòng tiền.

Song song, VinFast vẫn tiếp tục tích cực triển khai độc lập các phương án tự huy động vốn cho nhu cầu vốn của mình và chỉ sử dụng nguồn hỗ trợ của Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng nếu việc huy động vốn không đạt như kế hoạch dự kiến.