Tài sản của 10 người giàu nhất thế giới tăng gấp đôi trong đại dịch

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo tổ chức Oxfam, đại dịch đã làm cho những người giàu nhất thế giới trở nên giàu hơn nhưng lại khiến nhiều người sống trong cảnh nghèo đói hơn.

10 người giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản trong đại dịch

Theo báo cáo mới nhất về bất bình đẳng toàn cầu của Oxfam, mức thu nhập thấp hơn của những người nghèo nhất thế giới đã góp phần khiến 21.000 người chết mỗi ngày, nhưng 10 người đàn ông giàu nhất thế giới lại tăng gấp đôi tổng giá trị tài sản kể từ tháng 3/2020.

Tài sản của 10 người giàu nhất thế giới tăng gấp đôi trong đại dịch - 1

Tài sản của tỷ phú Elon Musk đã tăng hơn 1.000% trong đại dịch (Ảnh: Bloomberg).

Ông Danny Sriskandarajah, Giám đốc điều hành của Oxfam GB, cho biết việc tổ chức này công bố báo cáo trước thời điểm diễn ra sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos là nhằm thu hút sự chú ý của giới tinh hoa kinh tế, doanh nghiệp và chính trị.

"Năm nay, những gì xảy ra là vượt quá mức tưởng tượng. Bất chấp đại dịch, hầu như mỗi ngày đều có một tỷ phú mới xuất hiện. Trong khi 99% dân số thế giới đang trở nên tồi tệ hơn vì tình trạng đóng cửa, giao dịch và du lịch quốc tế ít đi và kết quả là 160 triệu người đã bị rơi vào cảnh nghèo đói", ông nói và cho rằng: "Hệ thống kinh tế của chúng ta còn thiếu sót điều gì đó".

Tổ chức này trích dẫn số liệu từ Forbes cho biết, 10 người đàn ông giàu nhất thế giới hiện nay là: Elon Musk, Jeff Bezos, Bernard Arnault và gia đình, Bill Gates, Larry Ellison, Larry Page, Sergey Brin, Mark Zuckerberg, Steve Ballmer và Warren Buffet.

Trong đại dịch tổng tài sản của họ đã tăng từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa họ. Đó là trong khi tài sản của ông Musk tăng hơn 1.000% thì tài sản của tỷ phú Bill Gates chỉ tăng khiêm tốn ở mức 30%.

Oxfam tính toán số liệu như thế nào?

Báo cáo của Oxfam dựa trên số liệu từ danh sách tỷ phú của Forbes và báo cáo tài sản toàn cầu hàng năm của Credit Suisse.

Theo đó, trong khi cuộc khảo sát của Forbes sử dụng giá trị tài sản của một cá nhân, chủ yếu là tài sản và đất đai, trừ đi các khoản nợ, để xác định giá trị tài sản mà người đó sở hữu. Dữ liệu này không bao gồm lương và thu nhập. Phương pháp này vốn đã bị chỉ trích vì điều đó có nghĩa một sinh viên có nhiều khoản nợ, nhưng có khả năng kiếm tiền trong tương lai, sẽ bị coi là kém nếu áp theo các tiêu chí trên.

Oxfam cũng cho biết, do giá cả thực tế trong đại dịch đã tăng lên nên họ điều chỉnh theo lạm phát bằng cách sử dụng chỉ số CPI của Mỹ.

Báo cáo của Oxfam cũng dựa trên số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tình trạng không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nạn đói, bạo lực giới và biến đổi khí hậu đã khiến cho cứ 4 giây lại có một người chết.

Theo tổ chức này, 160 triệu người đang sống dưới mức 5,5 USD/ngày - mức nếu không có tác động của đại dịch. WB sử dụng mức 5,5 USD/ngày làm thước đo tỷ lệ nghèo đói ở các nước có mức thu nhập dưới mức trung bình.

Báo cáo cũng cho biết, đại dịch đang buộc các nước đang phát triển cắt giảm chi tiêu xã hội khi các khoản nợ quốc gia tăng lên. Vấn đề bình đẳng giới cũng đang được đặt ra với 13 triệu phụ nữ đi làm hiện nay ít hơn so với năm 2019 và hơn 20 triệu trẻ em gái có nguy cơ không bao giờ được đến trường.

Ông Sriskandarajah cho rằng, ngay cả thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, các hệ thống kinh tế không công bằng vẫn mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho giới giàu nhất nhưng lại không bảo vệ được những người nghèo nhất.

Đầu tháng này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng bất bình đẳng toàn cầu và cho rằng tác động của lạm phát và các biện pháp giải quyết có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho các nước nghèo hơn.

Theo BBC