Tái diễn nạn lừa đảo khẩu trang y tế khiến người mua dở khóc dở cười
(Dân trí) - Lo ngại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đổ xô đi mua, tích trữ khẩu trang y tế. Lợi dụng tình hình, nhiều gian thương bắt đầu giăng lưới, tung chiêu khiến người mua sập bẫy.
Không những tăng cao gấp 2 - 3 lần giá khẩu trang y tế thường ngày, nhiều gian thương còn lợi dụng lòng tin của khách để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua các phi vụ buôn bán. Các hình thức lừa đảo dễ gặp là lừa chuyển khoản, lừa chuyển cọc và đánh tráo khẩu trang y tế.
Chị Minh Hằng, nạn nhân bị gian thương lừa tiền khi mua khẩu trang y tế trên chợ mạng tâm sự. Sau khi nghe tin Đà Nẵng có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chị lên mạng tìm mua 3 thùng khẩu trang về buôn bán kiếm lời nhưng nào ngờ tiền mất tật mang.
"Do tôi cũng nhẹ dạ cả tin nên chuyển khoản trước cho người bán 6 triệu đồng để lấy 3 thùng khẩu trang. Giá mỗi thùng là 2 triệu đồng đã bao gồm phí vận chuyển. Vì người bán nói do hàng khan hiếm nên không chuyển tiền trước không giao dịch" - chị nhớ lại.
Sau khi số tiền cọc chuyển đến một tài khoản ngân hàng xác định, chị Hằng mới tá hỏa khi toàn bộ facebook, zalo, số điện thoại của người bán lần lượt biến mất. Tới đây, chị mới biết mình bị lừa nhưng vì mua bán trên mạng nên rất khó để tìm ra đối tượng.
"Chúng tôi chỉ trao đổi qua facebook, zalo chứ không quen biết từ trước. Bạn ấy có chụp cho tôi chứng minh thư để làm tin nhưng sau tôi mới biết tất cả là giả mạo" - chị Hằng ngậm ngùi nói.
Không chỉ riêng chị Hằng mà rất nhiều người đều sa bẫy trước chiêu trò của gian thương. Đơn cử như chị Tú, mẹ bỉm sữa ở nhà trông con muốn kiếm thêm thu nhập nên đã lấy tới 10 thùng khẩu trang về bán dần. Chị được đối tượng hướng dẫn là nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền để đặt cọc. Số tiền không cần nhiều chỉ cần từ 500.000 - 1.000.000 đồng để giữ hàng.
Sau khi nghe những lời quảng cáo bùi tai cùng những cam kết về chất lượng có cánh như khẩu trang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, số lượng hàng không giới hạn, vải 4 lớp siêu bền, siêu đẹp. Chị Tú đã lọt hố gian thương mà không hề hay biết, chỉ đến khi, số điện thoại mà người bán liên tục thuê bao thì chị mới "tỉnh đòn".
"Họ nói với tôi 500.000 đồng là tiền cọc để giữ hàng vì cao điểm mùa dịch không cọc là hết. Thế nên, tôi cũng chuyển tiền luôn mà chẳng cần suy nghĩ" - chị kể.
Theo chị Tú hầu hết các chiêu trò của gian thương là sẽ tạo dựng một tài khoản mạng xã hội thật đẹp để người mua tin tưởng. Như chụp ảnh cùng con, check-in sang chảnh, quần áo hàng hiệu. Nhưng thực chất, toàn bộ số ảnh gian thương sử dụng đều là ảnh ảo, không có thật.
"Tôi có vào trang cá nhân thấy đối tượng hay chụp ảnh, đi chơi cùng con nên tôi cũng tin tưởng phần nào. Vì nghĩ cùng cảnh mẹ bỉm sữa bán hàng như nhau. Nhưng toàn bộ thứ tôi nhìn thấy lại là hình ảnh sao chép, ăn trộm của người khác" - chị chia sẻ.
Tương tự, chị Thanh Thùy (Hà Nội) đặt mua 4 hộp khẩu trang y tế 4 lớp trên chợ mạng với giá 120.000 đồng/hộp nhưng khi hàng về tay chất lượng lại không như quảng cáo.
"Tôi đặt 4 lớp thì họ giao 3 lớp, không những thế còn sai cả màu, trên vỏ hộp thì phần chữ in chỗ đậm chỗ nhạt. Tôi mới sinh nghi lên mạng tra tên công ty sản xuất thì lại hoàn toàn không có. Rút kinh nghiệm, sau tôi cứ ra hiệu thuốc, siêu thị mua cho đảm bảo" - chị Thùy chia sẻ .