Tái cơ cấu: Không có tiền thì không làm được!
(Dân trí) - Theo nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội, đề án tái cơ cấu nền kinh tế phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và xác định được tỉ lệ đóng góp của từng thành phần trong nền kinh tế, như vậy mới có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn.
Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế ngày 19/4 đã được đưa ra bàn bạc tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều ý kiến đóng góp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nội dung chi phí.
Đặt vấn đề về yếu tố này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đề án cần phải cho thấy nguồn lực và chi phí cho tiến trình tái cơ cấu. Bà dẫn ví dụ, nếu như các nước dùng đến 5% - 10% GDP cho công cuộc tái cơ cấu của họ, thậm chí có nơi cần huy động tới 30-40% GDP thì Việt Nam cũng phải làm rõ được chi phí là bao nhiêu với một con số cụ thể
“Cải cách mà không có tiền thì không làm được” bà Mai nói.
Do vậy, theo bà, đề án phải nêu ra được, trong cơ cấu của gói hỗ trợ này, nhà nước bỏ ra bao nhiêu, doanh nghiệp bỏ ra bao nhiêu và xã hội đóng góp như thế nào.
Nhất trí nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng cho rằng, ơ các nước, để chuẩn bị thực hiện cho tái cơ cấu đều có các gói cho từng ngành và phải xác định được con số cụ thể.
“Ở mình cả một nền kinh tế như vậy mà phải tái cơ cấu lại toàn bộ, tôi cho là khó” – ông Lý tỏ ra lo ngại.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trong bản trình bày báo cáo một số ý kiến của Ủy ban về đề án này cũng cho biết, nhiều thành viên trong Ủy ban đề nghị cần có lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” thì rõ tính khả thi và thuyết phục hơn.
Theo đó, đề án vẫn chưa đánh giá được chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… Ông nói, đề án đưa ra những kế hoạch vừa cụ thể nhưng cũng vô cùng trừu tượng.
Ông Giàu dẫn ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện này, nguồn lực của đất nước vẫn còn bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực.
Khi lượng hóa được gói chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.
Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại…
“Bài này bây giờ vẫn chưa ra, trong 1 tháng nữa ra được bài này thì mới yên tâm được” – ông Giàu cho hay.
Hiện tại, vấn đề về gói chí phí thực hiện tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế vẫn đang được các chuyên gia bàn bạc và thảo luận. Dự kiến, thời gian tới sẽ có hội thảo với các đối tác phát triển cũng như tham vấn ý kiến các chuyên gia độc lập để nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Bích Diệp