Tài chính xanh: Xu hướng tất yếu nhưng còn nhiều rào cản

Nhật Quang

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định tài chính xanh là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai cơ chế xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Xu hướng tất yếu

Tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon ngày 6/9, TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) khẳng định tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới.

Trong đó, tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, ví dụ cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững... Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành.

Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của TS. Hồ Quốc Tuấn, các dự án chuyển đổi xanh có mức phủ rộng, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, thay thế vật liệu xanh hơn, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường…

Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chương trình nghị sự của TPHCM, mà còn giúp doanh nghiệp giảm phơi nhiễm với các rủi ro khí hậu, và đón nhận các cơ hội chuyển đổi xanh mang lại.

Tài chính xanh: Xu hướng tất yếu nhưng còn nhiều rào cản - 1

TS. Hồ Quốc Tuấn trình bày tham luận tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon (Ảnh: Nhật Quang).

Trong khi chuẩn bị cho việc tham gia thị trường carbon bắt buộc, các doanh nghiệp tiên phong thậm chí tuyên bố những cam kết tham vọng hơn như trung hòa carbon (carbon neutral), hoặc phát thải ròng bằng không (net zero).

Với xu hướng này, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến công cuộc giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho biết thế giới ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng.

Trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch, mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường.

TS. Trần Văn cho biết các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng.

Theo đánh giá của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI), năm 2020 khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 sẽ là 5.000 tỷ USD. Trái phiếu xanh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải...

Riêng với TPHCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, vấn đề an ninh năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học… Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thành phố, giảm động lực tăng trưởng.

Tài chính xanh: Xu hướng tất yếu nhưng còn nhiều rào cản - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nhật Quang)

Vì vậy, TPHCM cần phải nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, tạo ra động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho nền kinh tế thành phố, góp phần đóng góp vào kinh tế cả nước, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Giải pháp nào để tài chính xanh phát triển?

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTS) mà Chính phủ ký với các quốc gia trên thế giới.

5 năm trở lại đây, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như việc đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc… Đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay thị trường Mỹ. Chủ tịch VITAS đánh giá đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Ông Giang kỳ vọng các cơ quan quản lý có hướng dẫn linh hoạt cho từng doanh nghiệp, từng địa phương để đảm bảo khả năng tài chính, nội lực thực hiện. Cùng với đó là chính sách vốn để các doanh dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, cho rằng hiện còn nhiều vấn đề Việt Nam cần xem xét cho phù hợp bối cảnh, như việc nên đi theo thị trường tín chỉ carbon bắt buộc hay tự nguyện, có nên áp dụng thuế carbon hay không. Một số nước phát triển như Mỹ không đặt ra thuế carbon, trong khi một số nước xung quanh Việt Nam có áp dụng.

Lãnh đạo Deloitte nêu một bài học từ Singapore mà TPHCM có thể học tập. Theo đó, Singapore chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo đầy đủ toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững.

"Tiền đầu tư cho trung tâm này không quá nhiều và các nguồn tài trợ cũng sẵn sàng nếu chúng ta thực sự bắt tay vào làm", đại diện Deloitte gợi ý.

Tài chính xanh.jpg

Thị trường chứng chỉ carbon, tài chính xanh đang được quan tâm (Ảnh: Nhật Quang)

Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng vấn đề nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tài chính xanh, thị trường carbon cũng cần được quan tâm.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng chủ đề tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon rất được quan tâm nhưng hiểu biết của doanh nghiệp về việc này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Cũng theo bà Thủy, việc tạo tín chỉ carbon không dễ. Hiện những cái tạo ngay được tín chỉ carbon là năng lượng tái tạo. Còn những cái dựa trên tài nguyên, đất đai thì rất khó vì liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng. Còn một nhóm liên quan đến chuyển đổi công nghệ để tạo phát thải thấp hơn hiện trạng, cũng không dễ dàng.

TS. Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức), cho rằng để biến thị trường carbon thành cơ hội cho Việt Nam thì còn nhiều câu hỏi phải trả lời. Các vấn đề được đặt ra như cơ hội nào cho các bên đầu tư để tạo tín chỉ carbon, thị trường mua và bán tín chỉ carbon ở đâu, ai bán ai mua, tín chỉ được Việt Nam công nhận thì có thể giao dịch quốc tế được hay không và ai sẽ công nhận.

Theo ông Phúc, để trả lời câu hỏi trên khối tư nhân và nhà khoa học cần được tham gia tích cực vào câu chuyện phát triển tài chính xanh này.

Nhận định về câu chuyện tài chính xanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.

Để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, ông Hiếu đưa ra quan điểm các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề gồm sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững