Tái cấu trúc ngân hàng: bài học từ thành công của Hàn Quốc (P2)

(Dân trí) - Cùng với việc tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách cải tổ quyết liệt đối với các tập đoàn lớn. Trong đó trọng tâm chính là tăng cường năng lực quản trị, giảm đầu tư ngoài ngành.

Sau một thời gian dài để các tập đoàn dễ dàng vay vốn, đầu tư dàn trải dẫn đến nợ xấu, năm 1998, chính quyền Hàn Quốc đã thực thi những cải cách mạnh mẽ đối với các tập đoàn lớn. Trong đó có 3 nội dung chính đó là: tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp thông qua giảm nợ, lựa chọn lĩnh vực kinh doanh then chốt; phân loại, chọn lọc các doanh nghiệp để cải tổ hoặc đóng cửa và tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp.

Tái cấu trúc toàn diện đã giúp Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ
Tái cấu trúc toàn diện đã giúp Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ

Năm 1998 Seoul yêu cầu 64 tập đoàn lớn nhất, hay còn gọi là các chaebol ký vào “bản kế hoạch nâng cao cấu trúc vốn” với các ngân hàng lớn. Mục tiêu chính của các kế hoạch này đó là giảm tỷ lệ nợ/vốn xuống dưới 200% và giảm số lượng công ty con, công ty liên kết. Bên cạnh đó Hàn Quốc cũng yêu cầu 5 chaebol lớn nhất phải hoán đổi lĩnh vực kinh doanh để tập trung vào các ngành nghề chính.

Trước tái cấu trúc, các chaebol thường tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phần hoặc các loại trái phiếu và giấy tờ có giá. Người mua những cổ phần và trái phiếu này thường là các quỹ đầu cơ hoặc chính các công ty liên kết của các chaebol này, dẫn đến tình trạng sở hữu chéo khó kiểm soát.

Để khắc phục tình trạng này, Hàn Quốc áp dụng trở lại quy định về đầu tư chứng khoán của các chaebol, đồng thời quy định mức trần lượng trái phiếu các quỹ đầu cơ được nắm giữ tại một công ty.

Sau đó tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Kim Dae-jung kêu gọi các chaebol phối hợp cùng chính quyền và các nghiệp đoàn lao động thành lập ủy ban chuyên trách về cắt giảm việc làm và giảm lương. Dù việc này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2% lên 8% trong năm 1998, chi phí của các doanh nghiệp được giảm mạnh.

Cùng lúc đó Hàn Quốc mở cửa mạnh mẽ cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm giúp các công ty trong nước dễ dàng bán bớt các hoạt động kinh doanh không phải sở trường để cải thiện nguồn vốn. Theo số liệu từ năm 1997 đến 2001, các nhà đầu tư nước ngoài chính là những người bỏ vốn nhiều nhất mua lại các mảng kinh doanh của các chaebol.

Để loại bỏ bớt các công ty “bệnh nặng”, Hàn Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng lên danh sách các công ty không có khả năng phục hồi. Kết quả là trong đợt đầu, tổng cộng 55 công ty bị xem là không thể “cứu chữa”, bị buộc phải đóng cửa và bán tài sản để xử lý nợ.

Những công ty còn lại được đưa vào diện tái cấu trúc và chính các ngân hàng sẽ là người đề ra mục tiêu cải thiện khả năng quản trị của các công ty này. Một mặt các công ty bị yêu cầu cắt giảm chi phí, bán bớt tài sản, tái cấu trúc sản xuất. Mặt khác họ được hoãn trả nợ gốc và miễn trả lãi cho các khoản vay trước kia.

Năm 2000, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc và đóng cửa doanh nghiệp. Các ngân hàng một lần nữa được yêu cầu chọn ra các công ty không thể “cứu chữa”. Thêm 52 công ty bị đưa vào diện phải đóng cửa. Kể từ năm 2001, chính phủ yêu cầu các ngân hàng rà soát doanh nghiệp 6 tháng một lần. Kết quả là hơn 1000 công ty bị đưa vào diện rà soát và chỉ riêng trong năm 2001, có 200 công ty bị buộc phá sản.

Đối với việc nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc đề ra 4 nội dung đó là: thu phút vốn đầu tư nước ngoài; củng cố quyền của cổ đông; bắt buộc các công ty niêm yết lớn phải có thành viên HĐQT độc lập chiếm đa số và làm rõ trách nhiệm quản trị của chủ sở hữu các chaebol.

Nhờ những đợt cải cách này, các chaebol bắt đầu dần hoạt động ổn định trở lại. Tỷ lệ nợ của doanh nghiệp/GDP giảm từ mức 175% năm 1997 xuống còn 145% vào tháng 6/2002. Hoạt động vay vốn tại các tổ chức phi ngân hàng cũng như phát hành giấy tờ có giá giảm mạnh, thay vào đó là nguồn vốn từ ngân hàng.

Tỷ lệ nợ/vốn của doanh nghiệp cũng được cải thiện nhờ các khoản đầu tư mới cũng như việc bán bớt hoạt động kinh doanh ngoài ngành. Sau khi thua lỗ trong các năm 1998 – 1999, đến năm 2001 các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu có lãi và đến năm 2002 thì đạt mức lợi nhuận kỷ lục.

Có một điểm đáng chú ý trong công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp của Hàn Quốc đó là từ chỗ do chính phủ khởi xướng, cuộc cải cách sau đó đã được dẫn dắt bởi chính thị trường. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và các ngân hàng trở thành những động lực chính khi tỏ ra kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn doanh nghiệp.

Chính điều này đã khiến các công ty được chia thành hai nhóm. Những công ty có tình hình tài chính lành mạnh dễ thu hút được vốn, trong khi những công ty có vấn đề buộc phải cắt giảm đầu tư, củng cố lại hoạt động và bán bớt các mảng kinh doanh không phải sở trường để giữ cổ phiếu khỏi giảm giá.

Như vậy có thể thấy đợt tái cấu trúc nền kinh tế của Hàn Quốc đã thành công khi được thực hiện toàn diện và triệt để. Cả 4 mảng bao gồm thị trường tài chính, doanh nghiệp, thị trường lao động và tự do hóa đầu tư nước ngoài đều được cải cách.

Quản trị doanh nghiệp yếu, vấn đề cốt lõi của cuộc khủng hoảng, đã được chính phủ Hàn Quốc khắc phục. Cải cách đã nhanh chóng khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, khôi phục chức năng trung gian tài chính để trở thành nền tảng cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp.

Thanh Tùng
Tổng hợp