Tái cấu trúc: Không còn đường lùi
Năm 2012 là năm cần những hành động quyết liệt để triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chứ không còn thời gian để bàn cãi.
Mỗi cơ cấu kinh tế chỉ phù hợp với một thời kỳ nhất định. Mô hình tăng trưởng kinh tế 10 năm qua, nhất là 5 năm gần đây chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, lao động tạm coi là rẻ, khai thác tài nguyên và lấy doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm động lực, đã lạc hậu. Trong khi đó, năng suất lao động xã hội rất thấp so với các nước xung quanh và tăng rất chậm. Nên ngay từ bây giờ chúng ta không đổi mới thì 10 năm tiếp theo sẽ rất nguy hiểm. Vì nếu tăng trưởng mà không có phát triển thì càng tăng trưởng đất nước càng nghèo đi.
Theo quan điểm của tôi, muốn thành công, phải đồng thời thực hiện tái cấu trúc cả ba lĩnh vực: Tái cấu trúc đầu tư nói chung, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nói chung mà đặc biệt là DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tái cấu trúc thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại.
Đây là ba vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, tạo nên cơ cấu kinh tế. Vì vậy phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, được điều hành từ một trung tâm, chứ không phải việc của bộ nào do bộ đó làm và bắt đầu từ những nội dung nằm trong tầm kiểm soát và thẩm quyền quyết định của Nhà nước. Đồng thời, cần thực hiện tái cấu trúc hai đầu.
Đầu thứ nhất, bằng mọi cách phải ngăn chặn, không tiếp tục “sản xuất” ra những công trình, dự án; những ngân hàng thương mại; những DNNN… kém hiệu quả để rồi không tạo được cơ cấu kinh tế phù hợp và sau một thời gian ngắn nữa lại phải ngồi lại để bàn việc tái cấu trúc.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư, phải khẳng định sắp tới nhà nước (đầu tư công) chỉ tập trung đầu tư vào những những công trình, dự án tạo ra những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế (như giao thông; thủy lợi…); những công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; những công trình, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ mới.., tức những công trình, dự án mà tư nhân cả trong và ngoài nước không muốn và không thể làm hoặc vì lý do an ninh không để cho tư nhân làm.
Vì vậy, trong lĩnh vực đầu tư công, làm gì, làm ở đâu, khi nào cần làm, phân kỳ đầu tư ra làm sao, và tiền ở đâu… phải do trung ương quyết định. Còn làm thế nào, chọn nhà thầu nào… thì giao địa phương, ngành thực hiện, nhà nước chỉ hướng dẫn. Như vậy, mới tránh được tính cục bộ và đầu tư theo nhiệm kỳ, không hiệu quả hiện nay.
Còn đầu thứ hai phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa các DNNN trong những lĩnh vực mà nhà nước còn cần nắm giữ, phải thực hiện càng sớm, càng tốt việc thoái vốn mà các DNNN đầu tư ra ngoài ngành; bán những công trình, dự án nhà nước đang đầu tư dở dang ở những ngành, lĩnh vực mà theo quan niệm mới nhà nước không cần đầu tư… hoặc bán các DNNN mà nhà nước không còn có nhu cầu nắm giữ. Chủ trương bán, khoán, cho thuê DNNN chúng ta đề ra từ lâu, nhưng trước đây làm không thành công, do quan điểm chưa thật rõ ràng, chưa rạch ròi được cái gì thì bán, cái gì để lại.
Khi bán, bán một cách công khai, bảo đảm lợi ích của các bên, chắc chắn có người mua bởi, hiện doanh nhân trong nước bây giờ đã có tiền để mua, có kinh nghiệm quản lý. Tiến tới, nhà nước chỉ làm chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh; tạo những điều kiện tiền đề cần thiết cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (giao thông, năng lượng…); và làm nhiệm vụ thu thuế.