Tác động rõ rệt của dịch bệnh lên Sacombank

Việt Đức

(Dân trí) - Lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cả hai chỉ tiêu tín dụng và huy động tiền gửi cùng thụt lùi trong quý III cho thấy ảnh hưởng lớn của đại dịch với kết quả kinh doanh của Sacombank.

Thu nhập phí thấp, lợi nhuận sụt giảm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) là một trong số ít các nhà băng không tăng trưởng lợi nhuận trong quý III so với cùng kỳ năm trước. Quý vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 825 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ 2020.

Mặc dù thu nhập lãi thuần (NII) của ngân hàng này vẫn tăng gần 10% so với quý III năm trước, đạt 3.313 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ của Sacombank trong 3 tháng qua chỉ còn 590 tỷ đồng, chưa đến 50% cùng kỳ 2020.

Thu nhập từ phí sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý III của Sacombank thụt lùi khi những nguồn thu khác chênh lệch không nhiều so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, khác với nhiều ngân hàng phải tăng dự phòng cho các khoản nợ xấu, mức trích lập dự phòng trong 3 tháng gần nhất của Sacombank thậm chí còn giảm hơn 25% so với quý III năm trước còn 950 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế 9 tháng, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 3.249 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ nhờ kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm trước đó. So với kế hoạch 4.000 tỷ đồng lãi trước thuế đại hội cổ đông thông qua đầu năm nay, Sacombank đang trên đường về đích khi đã vượt 80% chỉ tiêu sau 3/4 thời gian. 

Tác động rõ rệt của dịch bệnh lên Sacombank - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Tín dụng, tiền gửi cùng giảm trong quý III

Đến cuối tháng 9, dự nợ cho vay khách hàng của Sacombank đạt hơn 356.440 tỷ đồng, chỉ tăng 4,8% so với hồi đầu năm. Đây là con số khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng tín dụng hơn 7% của toàn nền kinh tế trong 3 quý đầu năm. 

Đặc biệt, tại thời điểm kết thúc tháng 6, chỉ tiêu cho vay khách hàng của Sacombank đạt 361.109 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính riêng trong quý III, dư nợ tín dụng của ngân hàng này thậm chí còn giảm gần 4.700 tỷ đồng. 

Điểm tích cực với nhà băng này là chất lượng tín dụng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,7% hồi đầu năm xuống còn 1,6% tại thời điểm ngày 30/9. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của Sacombank cũng ở mức cao 112%, là điều kiện giúp nhà băng giảm áp lực phải trích lập dự phòng bổ sung trong tương lai. 

Tuy nhiên, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng này lại tăng cao 130% từ 787 tỷ đồng lên 1.809 tỷ đồng sau 9 tháng. Đặc biệt, so với thời điểm cuối quý II, nợ nhóm 2 của Sacombank đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 tháng. 

Đặc biệt, tiền gửi của khách hàng tại Sacombank đến cuối tháng 9 đã giảm 2,1% so với hồi đầu năm nay, còn lại 418.839 tỷ đồng. Thậm chí nếu so với cuối tháng 6, tiền gửi của khách hàng tại Sacombank giảm hơn 15.000 tỷ đồng, tương đương 3,5% chỉ trong vòng 3 tháng. 

Tác động rõ rệt của dịch bệnh lên Sacombank - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Cả dư nợ cho vay lẫn tiền gửi trong quý III đều sụt giảm so với quý trước là minh chứng cho thấy dịch bệnh đã tác động mạnh đến thanh khoản của phân khúc khách hàng sử dụng dịch vụ tại nhà băng này.

Tuy nhiên, trong cơ cấu chi tiết các loại tiền gửi của khách hàng, phần bị rút ròng khỏi Sacombank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn. Ngược lại, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ngân hàng vẫn tăng trưởng. Đến hết quý III, tỷ lệ CASA tại Sacombank đạt hơn 22%, tăng nhẹ 2% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tiến trình tái cơ cấu nợ của Sacombank rõ ràng đã bị trì hoãn do các đợt giãn cách xã hội trong quý III. Tổng tỷ lệ các khoản nợ xấu nhóm 3-5, khoản phải thu, lãi dự thu, trái phiếu VAMC trên tổng tài sản của Sacombank hiện vẫn ở mức khá cao 11%. Tuy nhiên, nếu so với mức cao nhất lên tới 27,2% vào cuối năm 2017, rõ ràng chất lượng tài sản của Sacombank đã được cải thiện rõ rệt.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu STB của Sacombank đóng cửa phiên 3/11 với mức thị giá 27.900 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh 5%. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu STB đã tăng giá khoảng 60%.