Sụt 400 triệu USD: Chinh chiến Âu - Mỹ, đại gia Việt giật mình đối thủ gần nhà

Đại gia số 1 trên thị trường đá nhân tạo giật mình với những nguy cơ đến từ ngay thị trường trong nước cho dù đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế, từ Mỹ cho tới cái nôi của thị trường vật liệu xây dựng thế giới: châu Âu.

CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng (thường được gọi với cái tên “Năng Do Thái”) vừa công bố báo cáo thường niên với một nội dung quan trọng là sẽ tập trung vào thị trường trong nước và tìm cách đối phó với áp lực cạnh tranh đang lớn mạnh ngay tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Vicostone đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2019 tăng 16,3% lên hơn 5,3 ngàn tỷ đồng so với năm 2018, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 18,7% lên 1.565 tỷ đồng. Như vậy, so với nhiều năm trước đó, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đã thấp hơn khá nhiều.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo còn thấp hơn nữa. Tới năm 2023, dự kiến tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận chỉ còn ở mức 14%. Đây là một kế hoạch thận trọng và nó cho thấy sức cạnh tranh gia tăng, chứ không còn tình trạng Vicostone một mình một chợ, sản xuất ra bao nhiều xuất khẩu hết bây nhiêu như những năm đầu doanh nghiệp này độc quyền công nghệ sản xuất đá nhân tạo.

Sụt 400 triệu USD: Chinh chiến Âu - Mỹ, đại gia Việt giật mình đối thủ gần nhà - 1

Kế hoạch tăng trưởng thấp dần.

 

Sụt 400 triệu USD: Chinh chiến Âu - Mỹ, đại gia Việt giật mình đối thủ gần nhà - 2

Chịu áp lực cạnh tranh từ công nghệ Trung Quốc.

 

Những tín hiệu khó khăn đã bắt đầu từ năm 2018 sau khi doanh nghiệp của ông Hồ Xuân Năng ghi nhận doanh thu chỉ tăng hơn 3,5% và đạt 86% kế hoạch đề ra, trong khi lợi nhuận tăng 17,2%, đạt 97%.

Theo Vicostone, một rủi ro làm giảm tính cạnh tranh của công ty trên thị trường là vấn đề giá bán. Do đầu tư nhiều chi phí vào nghiên cứu R&D cũng như đầu tư áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới, giá bán sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh do Vicostone sản xuất không thể để ở mức thấp.

Trong khi đó, gần đây Việt Nam xuất hiện các nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh với dây chuyền công nghệ mới và hướng tới sản phẩm phân khúc giá thấp. Và tới thời điểm này, khi đặt vấn đề khai thác mạnh thị trường trong nước, Vicostone sẽ phải giật mình trước nhân tố này.

Theo báo cáo 2018, phần lớn doanh thu từ thị trường xuất khẩu của Vicostone với  66% đến từ châu Mỹ, 21% từ châu Úc, 11% từ Châu Âu.

Gần đây, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng liên tục có những biện pháp nhằm vực dậy công ty trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cũng như sự tụt giảm giá cổ phiếu kéo trong một khoảng thời gian dài.

Hồi cuối 2018, Vicostone đã mua lại 3,2 triệu cổ phiếu quỹ VCS nhằm chặn đà lao dốc cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu VCS vẫn ở vùng ở đáy trong khoảng 1 năm qua.

Cổ phiếu VCS ghi nhận đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi tháng 4/2018 nhưng hiện chỉ còn 63.000 đồng/cp, tương đương mức giảm 55%. Ở thời kỳ đỉnh cao, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng ghi nhận vốn hóa lên tới hơn 22 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. 

Sụt 400 triệu USD: Chinh chiến Âu - Mỹ, đại gia Việt giật mình đối thủ gần nhà - 3

Ông Hồ Xuân Năng.

 

Cú thâu tóm kinh điển diễn ra cách đây 4 năm đã khiến cái tên Hồ Xuân Năng từ không mấy ai biết tới trở nên nổi bật vào đầu 2018, trở thành người giàu có top 5 trên thị trường chứng khoán.

Tỷ phú đi lên từ tay trắng Hồ Xuân Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá khoảng 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD).

Tuy nhiên, khối tài sản của ông Năng giờ chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 320 triệu USD do VCS gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt về giá của các sản phẩm đá Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm đá gốc thạch anh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ dẫn đến việc Trung Quốc xuất ồ ạt vào thị trường Mỹ ngay từ tháng 4/2018 để tránh bị áp thuế.

Lợi nhuận của VCS chững lại còn do sự cạnh tranh đến từ các đối thủ sử dụng công nghệ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chưa kể, Vicostone còn hết hạn hợp đồng độc quyền với Breton. 

Những biến động trong nội bộ công ty cùng với triển vọng không mấy sáng sủa của một doanh nghiệp từng độc quyền trong một lĩnh vực được cho là nguyên nhân góp phần vào cú tụt giảm của VCS.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail tăng trở lại giúp thị trường hồi phục. Một số cổ phiếu lớn khác ũng tăng giá như Sabeco, Vinamilk, VietJet, Bảo Việt, GAS,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thị trường đang nằm trong vùng biến động giá tương đối nhạy cảm và chưa có tín hiệu rõ ràng về hướng đi kế tiếp. Do đó, BVSC cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở mức 30-40% để đảm bảo an toàn cho danh mục. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể xem xét bán giảm tỷ trọng trong các phiên thị trường hồi phục. Với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể thực hiện mua trading lại một phần tỷ trọng, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục tại vùng hỗ trợ của thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3, VN-Index tăng 6,93 điểm lên 988,71 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm lên 108,09 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 57,23 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 5,3 ngàn tỷ đồng.

Theo H. Tú
VietnamNet

bannerchan-bai.gif