Sức mạnh “cầu ngoại” đang điều hành thị trường chứng khoán
Không ngoài dự đoán, diễn biến thị trường tuần từ 27/11 đến 1/12 là sự “tranh chấp” của cung và cầu. Lượng cung giải tỏa nhìn chung rất mạnh khiến chỉ số giá có xu hướng điều chỉnh giảm. Trong đó, đóng góp quan trọng trong xu thế giao dịch vẫn là sức cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến trong tuần
Thống kê tình cung cầu trong tuần cho thấy xu hướng tăng mạnh lượng bán gia vượt qua mức tăng lượng chào mua. Đây là diễn biến thường thấy sau khi thị trường tăng nóng hơn 100 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 10 phiên giao dịch. Nhà đầu tư bắt đầu bán ra để hưởng chênh lệch giá ngắn hạn.
Điểm đáng chú ý là lượng cung giải tỏa rất nhanh trong tuần chứng tỏ nhà đầu tư đã “rút kinh nghiệm” từ các đợt tăng trước đó: thanh khoản ngay khi đạt mức lợi nhuận chấp nhận được chứ không “găm hàng” chờ giá tăng thêm.
Tương quan cung cầu trong tuần |
Phiên giao dịch đầu tuần (27/11) đã chứng kiến mức chào bán kỷ lục: trên 12,7 triệu chứng khoán (không tính trái phiếu) trong khi cầu chỉ có xấp xỉ 6 triệu chứng khoán. Với tình trạng tranh bán, giá cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đã bắt đầu rớt mạnh xuống mức sàn, báo hiệu một chu kỳ điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Diễn biến của VN-Index phản ánh khá sát diễn biến cung cầu: Thị trường chỉ tăng được phiên ngày 30/11 khi nguồn cung đột ngột giảm.
Yếu tố nước ngoài trong tuần giao dịch mặc dù có thấp hơn tuần trước nhưng vẫn rất đậm nét. Duy nhất một phiên (28/11) giá trị mua giảm xuống mức 11 tỷ đồng. Cả 4 phiên còn lại, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn là yếu tố quan trọng ấn định giá khớp khi tỷ trọng mua khá lớn: Giá trị mua trung bình đạt 76,6 tỷ đồng/phiên. Các giao dịch lớn của khối này tập trung vào VNM, GMD, VSH, SAM, BMP.
Giao dịch đáng chú ý nhất thuộc về VNM khi nhà đầu tư nước ngoài thu mua tổng cộng trên 58 vạn cổ phiếu sữa. Tỷ lệ sở hữu của khối này với VNM mới chỉ khoảng xấp xỉ 39%.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần. (Đơn vị: Tỷ đồng)
Hiện tại, danh sách cổ phiếu có mức sở hữu trên 40% trong tay nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: AGF (48%), BT6 (49%), GIL (45%), IFS (49%), REE (49%), SAM (44%), SAV (44%), TMS (48%), TYA (48%), VFMVF1 (49%).
Khả năng điều chỉnh đến đâu?
Tuần tới, một thông tin có thể tác động mạnh đến giao dịch thị trường là việc công bố các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Hiện tại các nghị định đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt.
Xu hướng tăng trưởng của thị trường vừa qua tương đối nóng khi chỉ số giá có những bước nhảy dài và hệ quả là đợt điều chỉnh cũng mạnh tương tự. Một điểm đáng chú ý là hiện tượng giá cổ phiếu tăng giảm đồng loạt đã được lặp lại.
Điều đó chứng tỏ xuất hiện hoạt động đầu cơ giá lên rất ngắn hạn. Khi thị trường bắt đầu điều chỉnh mạnh từ đầu tuần, nhóm đầu cơ bán ra khá mạnh làm lượng cung tăng vọt và kéo theo đó là sự “hoang mang” của không ít nhà đầu cơ mới tham gia.
Trong khi thị trường đang có xu hướng “phập phù” khó đoán như hiện tại, nhà đầu tư dài hạn thường ít mua vào. Hoạt động đầu cơ ngắn hạn là nguyên nhân của những biến động. Mức điều chỉnh tuần tới sẽ phụ thuộc vào tâm lý của nhóm này và lượng cung giá thấp được đẩy ra thị trường.
Một điểm nữa là việc bán ra mạnh kéo theo sự điều chỉnh giảm của hầu hết các cổ phiếu, kể cả nhóm “đầu tàu”. Trong tuần, GDM giảm 20.000 đồng/cổ phiếu, REE giảm 6.000 đồng/cổ phiếu, VNM giảm 7.000 đồng/cổ phiếu, STB giảm 4.000 đồng/cổ phiếu, VSH giảm 3.300 đồng/cổ phiếu... Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua vào với những cổ phiếu này tại mặt bằng giá thấp hơn và những nhà đầu cơ “cao tay” vừa bán ra có thể sẵn sàng mua lại những cổ phiếu tốt ở mặt bằng giá thấp hơn.
Nhìn chung, việc “cải thiện” hoặc làm “xấu đi” chỉ số chứng khoán vẫn phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu lớn. Trong phiên giao dịch ngày 1/12, VN-Index chỉ giảm nhẹ 1,76 điểm, thậm chí còn tăng trong hai đợt khớp lệnh đầu tiên. Lượng dư bán giá rẻ với một số cổ phiếu như REE, VNM, SAM, STB... khá thấp.
Tuy nhiên yếu tố nước ngoài trong giao dịch tuần tới vẫn là một ẩn số. Nếu nhóm này vẫn duy trì một lượng cầu lớn và chấp nhận mặt bằng giá không hạ giá mua thì khả năng giảm mạnh của VN-Index khó xảy ra.
Đồ thị kỹ thuật của VN-Index
Trong 2 phiên cuối tuần, tình hình cung cầu cổ phiếu đã có sự ổn định tương đối. Đồ thị kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index cho thấy đường giá sau 3 phiên cắt xuống dưới đường trung bình động 5 ngày đã gặp đường này từ dưới lên. Khả năng Vn-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 630 điểm.
Theo Nguyễn Hoàng
Vneconomy