1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sữa tăng giá "qua mặt" Bộ Tài chính?

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, tới thời điểm này chưa có doanh nghiệp (DN) sữa nào đăng ký tăng giá bán lẻ với Bộ Tài chính.

Sữa tăng giá `qua mặt` Bộ Tài chính?

Người tiêu dùng chóng mặt vì giá sữa tăng liên tục từ đầu năm

Thông tin một số hãng sữa tiếp tục tăng giá bán lẻ mặt hàng này trong những ngày đầu tháng 4 khiến không ít người tiêu dùng lo lắng.

Chị Quỳnh Anh (Tập thể Thanh Xuân Bắc – Hà Nội) cho biết, mới đây chị đi mua sữa cho cậu con trai tại một đại lý trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân – Hà Nội) thì bất ngờ được biết loại sữa Enfakid loại 400gr chị thường mua đã tăng thêm 10.000 đồng/hộp. Dù tăng giá nhưng chị Quỳnh Anh vẫn chấp nhận phải mua vì cậu con trai nhà chị chỉ thích dùng nhãn hiệu sữa này.

"Giá sữa tăng 10.000 đồng/hộp không phải là nhiều, nhưng tổng cộng từ đầu năm tới giờ giá sữa loại này đã tăng gần 40.000 đồng/hộp, khiến tôi méo hết cả mặt" – chị Quỳnh Anh nói và tính toán, mỗi tháng riêng tiền sữa cho cậu con trai đã tốn 1/3 lương công chức của chị. Vì thế, "có khi cũng phải tính toán lại chuyển sang loại rẻ hơn phù hợp với thu nhập" – chị Quỳnh Anh than thở.

Không chỉ giá mặt hàng sữa dành cho trẻ nhỏ tăng giá, mà giá sữa bột dành cho các bà mẹ, người già... cũng tăng chóng mặt. Cuối tháng 3, giá sữa bột Similac mom loại 400 gr giá 194.000 đồng/hộp thì nay đã tăng lên 205.000 đồng/hộp; loại 900 gr giá tăng từ 375.000 đồng/hộp lên 390.000 đồng/hộp; Friso mom giá cũng tăng từ 170.000 đồng/hộp lên 185.000 đồng/hộp. Riêng loại sữa EnfaGold dành cho người già tăng thêm 15.000 đồng/hộp, lên mức 247.000 đồng/hộp....

Trao đổi vớiInfonet, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: cơ quan này chưa hề nhận được đăng ký tăng giá sữa của bất kỳ DN nào. "Việc tăng giá sữa vừa rồi chủ yếu do các đại lý tự ý tăng giá" – ông Tuấn khẳng định.

Về cơ chế điều hành và kiểm soát giá sữa, ông Tuấn cho biết thêm, hiện Bộ Tài chính đã phân cấp quản lý giá mặt hàng này về các Sở Tài chính địa phương quản lý, Bộ chỉ kiểm soát phần "gốc" là từ các DN sản xuất kinh doanh chính. "Với tình trạng mặt hàng sữa mua đứt bán đoạn rất khó quản lý. Việc tăng giá từ phía đại lý cấp dưới, Bộ không thể quản nổi" – ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, hiện các Sở Tài chính địa phương đang tiến hành thanh tram kiểm tra giá sữa tại các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa trên từng địa bàn. Cục Quản lý giá sẽ tổng hợp các báo cáo này ngay khi nhận được từ các Sở. "Dựa trên cơ sở báo cáo phân tích từ các địa phương, Cục mới đưa ra phương án xử lý, điều hành giá mặt hàng này" – ông Tuấn nói.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong tháng 3/2012, giá sữa nguyên liệu tại 2 thị trường lớn nhất thế giới là châu Úc và Tây Âu đều giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, sữa bột gầy tại thị trường châu Úc ở mức 3.000 - 3.400 USD/tấn, giảm 100-200 USD/tấn; tại thị trường Tây Âu đứng giá ở mức 2.750 - 2.925 USD/tấn, giảm 150-200 USD/tấn. Giá sản phẩm sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc là 3.375 - 3.650 USD/tấn, giảm 25-50 USD và tại thị trường Tây Âu là 3.400 - 3.700 USD/tấn, giảm 125-225 USD/tấn.

Tuy giá sữa trên thế giới giảm, nhưng ghi nhận tại thị trường trong nước giá mặt hàng này chỉ có tăng mà không có giảm. Sức tiêu thụ sữa tại thị trường nội địa cũng liên tục tăng. Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu khoảng 708 triệu USD sữa và các sản phẩm sữa, đến năm 2011 nhập khẩu 848 triệu USD, tăng 17,9% về giá trị và tăng 37,3% về lượng nhập khẩu. Trong tháng 1/2012, nhập khẩu sữa đã tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo Thu Hoài
Infonet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm