Tăng giá sữa: Quản lý đến đâu?
(Dân trí) - Việc các hãng sữa đua nhau tăng giá không chỉ khiến người tiêu dùng thêm lo lắng, mà còn đặt ra câu hỏi: ai quản lý giá sữa và quản lý đến đâu?
Sau một năm thực hiện bình ổn giá, ngay mùng một tết âm lịch (ngày 23/1), Vinamilk đã mở đầu cho làn sóng tăng giá sữa toàn thị trường với mức tăng từ 5 - 7%. Theo giải thích của doanh nghiệp vừa vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD này, việc tăng giá sản phẩm nhằm bù đắp một phần cho chi phí sản xuất, vốn tăng mạnh hơn rất nhiều.
Cụ thể, theo Vinamilk, chi phí nguyên vật liệu chính tăng hơn 20%, các nguyên vật liệu khác tăng 40 - 60%, chưa kể các chi phí đầu vào khác như điện, nước, xăng dầu, vận tải… đều tăng từ 10 - 15%.
Không riêng Vinamilk, trong giai đoạn đầu năm 2012 nhiều hãng sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson, Nestle… cũng lần lượt tăng hoặc thông báo ý định tăng giá sản phẩm, với mức tăng bình quân 5 - 10%.
Mới đây nhất, ngày 13/2, công ty FrieslandCampina (sở hữu các nhãn Cô gái Hà Lan, YoMost, Fristi…) cũng công bố tăng giá một số mặt hàng sữa lên 5%.
Cũng như Vinamilk, ông Trần Quốc Huân - Phó Tổng Giám đốc FrieslanCampani giải thích: nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng, có loại chi phí tăng tới 36%, sữa nguyên liệu tăng 8 - 22%, chi phí nhân lực tăng 11%... Theo ông Huân, sau một năm không tăng giá thì mức tăng này vẫn là thấp.
Việc tăng giá sữa trong xu thế “cuộc chiến” kiềm chế lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đặt ra thách thức không nhỏ cho điều hành vĩ mô cũng như đời sống người dân, nhất à khi sữa thuộc nhóm thực phẩm - nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Chắc chắn sữa và gas sẽ tác động tới CPI tháng 2, sau khi chỉ số này nằm ở mốc 1% trong tháng 1 vừa qua.
Hàng thiết yếu nhưng vẫn bị “thả nổi”?
Sữa có tên trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý giá, và theo quy định hiện nay nếu mức tăng vượt “trần” 20% sẽ bị tuýt còi. Nhưng mặt khác, đây là mặt hàng đang được kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Vì thế, các hãng sữa có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%.
Thực tế, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sau mỗi “cơn sóng” giá sữa đều có văn bản yêu cầu giải trình, tăng cường thanh kiểm tra nhưng biểu đồ tăng vẫn là xu hướng chủ đạo. Đơn cử, cuối năm 2011 Cục này vừa yêu cầu 4 DN sữa ngoại và phân phối sữa ngoại giải trình về việc tăng giá và tuyên bố kiểm tra mức độ hợp lý của đợt tăng giá đó, nhưng tới nay sau 2 tháng thì tất cả các DN có tên trên đều tiếp tục tăng hoặc công bố tăng.
Theo một thống kê chưa tính thức của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, từ năm 2009 đến nay nhiều công ty sữa đã tăng giá tới… 17 lần. Mặc dù mức tăng chỉ quanh mức 5 – 7% mỗi lần nhưng nếu cộng dồn các con số này lại với nhau sẽ cho một con số không thể không quan tâm. Chính vì vậy, lo ngại về tình trạng “lách” quy định quản lý giá sữa được đặt ra không ít lần.
Trong đợt tăng giá đầu năm 2012, Cục quản lý giá cho biết hiện đang yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành kiểm tra, nhưng việc kiểm tra chỉ giới hạn trong nhóm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
Theo Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa, do hiện không có quy định bắt buộc đăng ký giá nên việc kiểm tra chỉ được tiến hành sau khi các DN đã tăng giá. Thừa nhận đã từng có tình trạng tăng giá bất hợp lý, nhưng ông Thỏa cho rằng nếu thực sự các DN tăng giá là hợp lý vì lý do giá nguyên liệu tăng, điều chỉnh tỷ giá… thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận.
Thực tế, đến nay ngoài Vinamilk có đăng ký điều chỉnh giá, các DN còn lại đều tự làm tự chịu theo cơ chế thị trường, nên khó kỳ vọng vào một sự can thiệp của cơ quan quản lý nếu mức tăng không quá lớn.
Hiện cũng chưa có quy định nào về tần suất tối thiểu giữa hai lần tăng giá. Vì vậy, khả năng “lách luật” để tăng giá… từ từ của các DN là hoàn toàn có thể xảy ra và có lẽ cũng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần công bố chi tiết mức giá đầu vào của nguyên liệu để chính người tiêu dùng có sự nhìn nhận đầy đủ nhất về tính hợp lý trong mức giá bán ra.
Hồng Kỹ