Sữa, ô tô nhập khẩu từ EU có cơ hội giảm giá
(Dân trí) - Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, giá các mặt hàng nằm trong lộ trình xoá bỏ thuế quan như ô tô, sữa... nhập khẩu từ thị trường này sẽ có nhiều cơ hội giảm giá.
Sau 3 năm đàm phán, ngày 4/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã tuyên bố đạt được thoả thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo cam kết của Hiệp định EVFAT Việt Nam, người tiêu dùng kỳ vọng giá một số mặt hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu như ô tô, sữa… sẽ giảm so với mức hiện tại.
Trao đổi về vấn đề này, tại buổi họp báo chiều ngày 20/8, đại diện Bộ Tài chính cho rằng giá các mặt hàng trên nhập khẩu từ thị trường EU sẽ cạnh tranh hơn và có nhiều khả năng sẽ giảm giá trong thời gian tới.
Theo ông Hà Duy Tùng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, hiện nay xe ô tô nhập khẩu đang trong quá trình giảm thuế khá mạnh. Theo lộ trình, sau ASEAN, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 9 năm đối với xe ô tô phân khối lớn (trên 3.000 cc cho động cơ xăng và trên 250cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại. Còn với linh kiện, phụ tùng ô tô, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan sau tối đa 7 năm.
Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan sau 7 năm đối với xe máy phân khối lớn (trên 150 cc) và sau 10 năm đối với các nhóm xe máy còn lại.
“Sau khi Hiệp định chính thức bắt đầu, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm dần, chắc chắn lượng xe nhập khẩu sẽ tăng, cạnh tranh của các nhà nhập khẩu sẽ mạnh mẽ hơn và kỳ vọng giá sẽ giảm theo”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, giá xe cũng còn phụ thuộc vào một yếu tố khác là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cuối tháng này, Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp bàn và công bố về lộ trình cụ thể.
Liên quan tới giá sữa, mặt hàng cũng được cam kết xoá bỏ thuế quan sau 3-5 năm, ông Tùng cho rằng, theo nguyên tắc, việc giảm thuế nhập khẩu cũng sẽ làm cho giá mặt hàng này giảm. Tuy nhiên mức độ giảm sẽ còn phụ thuộc vào điều tiết của thị trường và doanh nghiệp.
"Việt Nam nhập khẩu sữa từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Newzealand… Tuy nhiên, khi thuế suất giảm theo cam kết, lượng sữa nhập khẩu từ các nước EU dự kiến cũng sẽ tăng lên”, ông nói.
Phát buổi tại buổi họp báo, ông Vũ Duy Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với quan hệ thương mại 2 chiều phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua.
“EU là thị trường có tính bổ sung đối với hàng hoá Việt Nam. Cam kết với EU phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam, đồng thời, sẽ giúp phát triển một số ngành công nghiệp trong nước như dệt may, giày dép, linh kiện máy tính, máy móc thiết bị, thuốc tân dược…”, ông Thăng nói.
Phương Dung