Sự thật lời hứa “xóa nợ cho các quốc gia châu Phi đau khổ” của Trung Quốc

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong ý định này của Trung Quốc.

Sự thật lời hứa “xóa nợ cho các quốc gia châu Phi đau khổ” của Trung Quốc - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã hứa với các nước châu Phi sẽ xóa tất cả các khoản vay không lãi suất trong năm nay - nhưng những khoản vay đó chỉ là một phần nhỏ trong khoản nợ liên tục tăng của châu Phi.

Nhiều quốc gia châu Phi đang rơi vào tình trạng nợ nần sau khi đại dịch Covid-19 đẩy họ vào suy thoái kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 20 quốc gia châu Phi đang gặp khó khăn về nợ nần hoặc có nguy cơ cao bị khủng hoảng nợ.

Một báo cáo với nội dung “Giảm nợ của Trung Quốc” của Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc châu Phi (CARI) tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến của Đại học Johns Hopkins vừa được phát hành một ngày sau khi ông Tập Cận Bình gặp các nhà lãnh đạo châu Phi và hứa sẽ giúp họ chống lại đại dịch.

Báo cáo cho biết, mặc dù Bắc Kinh đã hủy những khoản nợ trong quá khứ, nhưng những khoản này chủ yếu là các khoản vay không lãi suất chiếm chưa đến 5% các khoản vay của Trung Quốc tại châu Phi

Cụ thể, Trung Quốc đã hủy các khoản vay không lãi suất với số nợ 3,4 tỷ USD ở châu Phi từ năm 2000 đến năm 2019. Nhưng tổng cho vay của Trung Quốc cam kết đối với châu Phi trị giá tới 152 tỷ USD từ năm 2000 đến 2018.

Phần lớn các khoản vay được các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cho vay - bao gồm cả Ngân hàng Xuất khẩu của Trung Quốc đã giải ngân 86 tỷ USD và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã giải ngân 37 tỷ USD - gần như tất cả đều phục vụ cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - tìm cách mở các tuyến giao dịch bằng đường biển và đất liền từ Trung Quốc tới Đông Nam và Trung Á, Trung Đông và Châu Phi.

“Hầu hết các quốc gia mà Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ nợ - khoản nợ bị hủy chỉ giới hạn ở các khoản vay viện trợ nước ngoài không lãi suất - đều đã bị vỡ nợ”, bà Deborah Brautigam, một giáo sư kinh tế chính trị quốc tế và giám đốc sáng lập CARI, cho biết trong nghiên cứu.

Bà Brautigam và các đồng nghiệp tại CARI cho biết, Trung Quốc vẫn chưa hủy các khoản vay ưu đãi, hoặc các khoản tín dụng và các khoản vay thương mại đối với châu Phi, chiếm phần lớn tỷ lệ nợ. Hàng tỷ USD nợ này đã đi vào các dự án xây dựng đường cao tốc, cảng, đập và đường sắt.

“Và khi các quốc gia không thể trả các khoản nợ của họ”, nghiên cứu cho biết, “họ phải tái cơ cấu bằng cách kéo dài thời gian ân hạn, lãi suất hoặc thay đổi ngày đáo hạn hay trong tình thế bắt buộc, thông qua tái cấp vốn bằng cách vay một khoản nợ mới để trả một khoản nợ cũ”.

Bà Brautigam cho biết, từ năm 2000 đến 2019, các nhà cho vay của Trung Quốc đã tái cấu trúc khoảng 7,5 tỷ USD và tái cấp vốn 7,5 tỷ USD khác (tại Ăng-gô-la bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc)

“Sự thiếu minh bạch về xóa nợ tạo nên những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc. Những nghi ngờ này có cơ sở khi những người cho vay Trung Quốc và những người vay châu Phi đang phải loay hoay với tác động của Covid-19”, bà Brautigam và nhóm của bà cho biết.

Nghiên cứu cho biết một số quốc gia - bao gồm Mozambique, Cameroon, Zimbabwe, Nigeria, Ethiopia, Bénin, Sudan, Cộng hòa Congo, Chad và Seychelles - đã phải cơ cấu lại nợ với các nhà cho vay Trung Quốc khi họ gặp rắc rối về tài chính.

Ví dụ, khi Ethiopia không thể trả nợ cho khoản vay xây dựng tuyến đường sắt hiện đại với Djibouti, họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bắc Kinh và đã phải kéo dài thời gian trả nợ từ 10 đến 30 năm.

Ethiopia đã vay 2,92 tỷ USD từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc với số tiền 4,2 tỷ USD cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti.

Ăng-gô-la đã vay thêm 7,5 tỷ USD để trả nợ mà công ty nhà nước Sonangol tái cấp vốn thông qua hạn mức tín dụng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Ăng-gô-la, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi, nắm giữ hơn 1/4 (tương đương 43 tỷ USD) tổng số nợ mà Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay từ năm 2000 đến 2018.

Vào tháng Tư, Nhóm G20 đã đồng ý hoãn nợ cho đến cuối năm đối với các nước nghèo nhất thế giới.

Tuần trước, Bắc Kinh cũng cho biết họ sẽ hoãn nợ cho 77 quốc gia có thu nhập thấp, bao gồm cả những nước ở châu Phi, như một phần của chương trình G20.

Tuy nhiên, một số quốc gia như Kenya đã đưa ra quan ngại rằng thỏa thuận G20 có các điều khoản hạn chế khiến họ không nhận được các khoản vay trong giai đoạn lệnh trì hoãn được áp dụng.

Kenya cho biết, họ đang đàm phán với Trung Quốc để giảm nợ. Đến cuối tháng trước, chỉ có 22 trong số 77 quốc gia đủ điều kiện để bắt đầu quy trình xóa nợ G20.

Thùy Dung

Theo SCMP