Bí kíp thành công của thủ phủ xe điện tại Trung Quốc
(Dân trí) - Một trong những điều đầu tiên mà Liễu Châu khiến du khách phải chú ý là sự yên tĩnh. Ở đây không hề tồn tại tiếng ồn ào của động cơ chạy - một đặc trưng của cuộc sống phồn hoa đô thị trên toàn cầu.
Nguyên nhân là gần 30% lượng ô tô bán ra ở Liễu Châu trong năm 2020 đều là xe điện, gấp hơn 5 lần mức trung bình của Trung Quốc, theo công ty tư vấn có trụ sở tại Quảng Châu WAYS Information Technology. Nhờ đó, thành phố với 4 triệu dân này trở thành thủ phủ của thị trường xe điện lớn nhất thế giới và Trung Quốc.
Xét trên quy mô thế giới, Liễu Châu chỉ đứng sau Oslo (Na Uy) về mức độ sử dụng xe điện. Không chỉ vậy, chất lượng nước và không khí của Liễu Châu cũng thuộc hàng tốt nhất ở quốc gia bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này.
Thành quả này là phần thưởng bất ngờ cho những nỗ lực của chính quyền thành phố Liễu Châu nhằm biến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất xe điện cũng như khắc phục các vấn đề liên quan tới phạm vi hoạt động, độ tin cậy, an toàn pin - thứ đã kìm hãm sự phát triển của thị trường ô tô điện thế giới.
Liễu Châu đã hợp tác với SAIC-GM-Wuling để tung ra một loạt ưu đãi cho người mua xe đi, từ việc cho lái thử trên diện rộng, tới đỗ xe và sử dụng hàng chục nghìn điểm sạc miễn phí để khuyến khích người dân mua xe điện. Sản phẩm của SAIC-GM-Wuling - thường là những chiếc xe cỡ nhỏ, giá rẻ - trở thành dòng xe bán chạy nhất trong phần lớn thời gian của 9 tháng qua, đánh bại cả Tesla.
Cách tiếp cận của chính quyền thành phố Liễu Châu có thể là gợi ý cho các đô thị khác trên thế giới khi họ cũng đang cố gắng thuyết phục tài xế từ bỏ ô tô chạy xăng, qua đó đạt được các mục tiêu phát thải đầy tham vọng. Theo BloombergNEF, xe chạy bằng năng lượng mới chỉ chiếm chưa tới 4,5% doanh số phương tiện chở khách trên toàn cầu trong năm 2020.
Mặc dù chính phủ các nước từ Đức tới Mỹ đều triển khai việc trợ cấp cho người dân khi mua xe điện, song doanh số mặt hàng này vẫn kém hơn nếu so với ô tô truyền thống, ngoại trừ một số nước ở châu Âu như Na Uy, Thụy Điển.
Chiến lược của Liễu Châu cũng có thể là định hướng cho những hãng xe lâu đời, như General Motors, Volkswagen, vốn đang đặt cược hàng chục tỷ USD vào tương lai của xe điện.
"Ban đầu, mọi người còn rất nhiều lo ngại về xe điện liên quan tới vấn đề an toàn hoặc sự tiện lợi trong sạc pin. Những gì chúng tôi đã làm là đảm bảo cho người dân cảm thấy thoải mái khi sử dụng xe điện. Mọi người sau đó nhận ra rằng ô tô điện tiết kiệm, dễ sử dụng như thế nào và bầu không khí đã trở nên sạch hơn bao nhiêu khi ngày càng có nhiều xe điện chạy trên đường", Gou Yi - Phó giám đốc chi nhánh tại Liễu Châu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cho biết.
Động thái đầu tiên của chính quyền Liễu Châu là nhằm vào những người dân đang cảnh giác với xe điện. Theo đó, SAIC-GM-Wuling - liên danh giữa General Motors với các nhà sản xuất của chính phủ Trung Quốc, gồm SAIC Motor và Guangxi Automobile - đã thực hiện chiến dịch lái thử xe điện miễn phí trong 10 tháng vào năm 2017. Hơn 15.000 người được lái thử chiếc Baojun E100 và hãng nhận về 12.000 phản hồi. Chiến dịch này nổi tiếng đến nỗi danh sách đăng ký được lấp đầy chỉ trong vòng vài phút và 70% người tham gia đã mua sản phẩm.
Sau khi nghiên cứu nhu cầu và thói quen lái xe của người dân, Wuling đã sản xuất ra chiếc Baojun E100 cho những người thường di chuyển chưa tới 30 km mỗi ngày. Chiếc xe này chỉ có hai chỗ ngồi với chiều dài bằng một nửa mẫu Tesla Model X và có vẻ bên ngoài tương tự như một chiếc Smart. Giá của chiếc xe là khoảng 5.000 USD - một mức giá không chỉ giúp thu hút nhiều khách hàng hơn mà còn kéo giảm các chi phí vận hành như bảo hiểm.
Trong một sáng kiến khác, khách hàng có thể giành được phần thưởng tiền mặt lên tới 1.000 Nhân dân tệ (160 USD) khi lái xe 10.000 km trong một năm. Hua Yong - người phụ trách quảng cáo xe điện tại NDRC - cho biết bản thân đã kiếm được 500 Nhân dân tệ trong năm đầu tiên anh sở hữu xe điện và 400 Nhân dân tệ vào năm sau đó. Trong khi đó, Gou lại nhận được phần thưởng cao nhất mỗi năm.
Khi những chiếc ô tô nhỏ nhắn xuất hiện khắp nơi ở Liễu Châu, chính quyền thành phố đã xây thêm 15.000 điểm đỗ xe. Với lợi thế kích thước nhỏ, Baojun E100 có thể đỗ vừa với những không gian trước đây không thể sử dụng được, như vỉa hè.
Đây cũng là yếu tố khiến Zhang Jiageng - một nhân viên ngân hàng 30 tuổi - phải chú ý tới xe điện. Zhang cho biết chi phí sử dụng chiếc Baojun E200 của anh gần như không đáng kể. Anh chỉ phải trả khoảng 0,1 Nhân dân tệ/km để sạc và được đỗ xe miễn phí không giới hạn thời gian tại các bãi đỗ xe điện hoặc 2 giờ miễn phí tại các bãi đỗ xe thông thường. Vì vậy, Zhang cho biết anh gần như không động đến chiếc Subaru SUV đã mua trước đó nữa.
"Nếu bạn tạo ra những chiếc xe điện có giá cả phải chăng và tiện lợi, chúng sẽ thay thế xe đạp, xe máy hoặc bất cứ thứ gì khác mà mọi người dùng để đi làm. Các thành phố nhỏ hơn ở Trung Quốc thường không có nhiều phương tiện giao thông công cộng. Và khi đó, một chiếc xe điện giá cả phải chăng có thể là sản phẩm hữu ích để người dân mở rộng phạm vi di chuyển", Bill Russo - CEO hãng tư vấn Automobility tại Thượng Hải - nhận định.
Vì ô tô điện có thể sạc từ ổ cắm điện thông thường, Wuling đã xây dựng các điểm sạc ở khắp Liễu Châu với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ các trạm sạc ô tô điện thông thường hiện nay. Hiện công ty này có 30.000 điểm sạc ở Liễu Châu. Một điểm khác hấp dẫn người mua xe điện tại Liễu Châu là ô tô điện có thể đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt, giúp tiết kiệm thời gian vào giờ cao điểm hoặc tắc đường.
Không giống ở phương Tây, động lực chính của Liễu Châu trong việc sử dụng xe điện là để củng cố ngành công nghiệp ô tô địa phương - ngành đã đóng góp khoảng một nửa sản lượng công nghiệp của toàn thành phố.
Dù có thể không được nhân rộng ở nơi khác, song chiến lược này đã mang lại hiệu quả lớn ở Liễu Châu. Trong quý I, sản lượng ô tô tại thành phố này tăng 64% nhờ nhu cầu xe điện tăng tới hơn 3 lần.
Mặt khác, môi trường được bảo đảm dù ngành công nghiệp nặng ở Liễu Châu vẫn duy trì được. Các nhà máy thép nằm rải rác khắp thành phố và đều đặn phát thải nhưng chất lượng nước của sông Liễu Giang chảy qua nơi đây lại được xếp hạng số 1 ở Trung Quốc vào năm ngoái. Chất lượng không khí hàng ngày được đánh giá ở mức tuyệt vời trong 97% thời gian của năm 2020, cao hơn mức 76% của Bắc Kinh.
Liễu Châu đang lên kế hoạch hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lĩnh vực xe điện, bằng cách khuyến khích nội địa hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ đổi mới công nghệ và xuất khẩu. Mục tiêu của Liễu Châu là gấp đôi sản lượng của ngành ô tô lên 500 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2030, theo Mo Chunyan - phó trưởng chi nhánh địa phương của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin.
Chính quyền tỉnh Quảng Tây đang cố áp dụng chiến lược của thành phố Liễu Châu với các thành phố khác. "Các thành phố nên khuyến khích sử dụng các phương tiện có trong lượng nhẹ và nhỏ gọn trong thành phố vì những phương tiện này có thể đỗ ở mọi nơi và không sử dụng quá nhiều năng lượng. Đó mới là tương lai", ông Jochen Siebert - Giám đốc của JSC Automotive tại Singapore - nói.