ST25 đi thi… "ngon nhì thế giới": Chuyên gia bức xúc, doanh nghiệp méo mặt

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia tỏ ra bức xúc và đưa ra những nhận xét khá nặng nề về việc đưa gạo ngon nhất thế giới 2019 ST25 đi thi năm 2020 để đạt giải nhì. Còn doanh nghiệp, VFA và Ban tổ chức nói gì?

Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ, gạo ST25 của Việt Nam đạt giải nhì. Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về giống gạo Hom Mali của Thái Lan.

Việc gạo ST25 từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới nhưng nay lại về nhì đã dẫn đến những luồng tranh luận trái chiều.

Dư luận cho rằng, gạo ST25 đang được làm thương mại mạnh mẽ do có danh hiệu "ngon nhất thế giới" nhưng giờ lại về nhì đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển thương mại cho loại gạo này.

ST25 đi thi… ngon nhì thế giới: Chuyên gia bức xúc, doanh nghiệp méo mặt - 1

Việc làm thương hiệu và quảng bá cho gạo ST25 đang gặp trở ngại khi mất đi danh hiệu "ngon nhất thế giới". Ảnh: Đ.V

Đưa gạo ST25 ngon nhất thế giới đi thi để lấy "giải nhì" là ngớ ngẩn?

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết, việc mang gạo ST25 đi thi như vậy là "thảm họa". Gạo ST25 đang là gạo ngon nhất thế giới nhưng lại mang đi thi để dành được vị trí "ngon thứ nhì thế giới".

"Việc này cũng giống như cô hoa hậu thế giới bị khích tướng đi thi hoa hậu lại và đạt giải á hậu vậy. Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang khóc ròng vì việc "ham đi thi" này. Đang bán gạo ngon nhất thế giới giờ trở thành gạo đứng nhì thế giới. Ai sẽ đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp khi thương hiệu sản phẩm bị ảnh hưởng", bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà Hạnh, bà phản đối hành động đưa gạo ST25 đi thi, bởi đây là cách làm thương hiệu không sáng suốt. Việc đưa gạo ST25 đi thi trong năm nay là hành động ngớ ngẩn và dại dột. Bởi, năm nay, việc thi trực tuyến sẽ đầy ắp rủi ro cho gạo ST25. Ngoài ra, kỹ năng marketing và kinh nghiệm đi thi quốc tế của Việt Nam cũng còn thua xa với các nước khác. Điều này cũng khiến gạo ST25 càng rủi ro hơn khi đi thi.

Theo bà Hạnh, việc gạo ST25 về nhì sẽ để lại di chứng khổ nạn cho những người làm tiếp thị, quảng bá một sản phẩm "nhất thế giới". Nó sẽ gây hậu quả thương mại thê thảm cho giới kinh doanh. Việc này không khác nào tự mình đánh mình.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Gạo ST25 mất "vương miện" là bài học đau xót!

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam cho rằng, việc đem loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đi thi để thua gạo Thái là bài học đau xót.

Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới được tổ chức định kỳ 12 năm qua và mỗi năm có một loại gạo xướng tên. Các giống gạo của Thái Lan đã có 5 lần đứng đầu, trong đó gạo Hom Mali là lần thứ 4 (kể cả danh gạo ngon nhất thế giới năm 2020), rồi có nhiều loại gạo của Campuchia, của Mỹ cũng có lần lọt vào "top" gạo ngon nhất thế giới.

Hiện, nhiều chuyên gia, cả những người làm thương hiệu gạo phản ứng gay gắt về việc đem gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của Việt Nam đi thi tiếp năm 2020. Họ cho rằng đây là sự "gà mờ" về thương hiệu, hoặc cách làm marketing, thương hiệu ấu trĩ, dại dột.

Giáo sư Xuân cho rằng: "Bản thân tôi đã góp ý với những người đem gạo đi thi là không nên đem loại gạo được đánh giá cao nhất năm 2019 đi thi, nếu đưa đi thi thì cần đem giống khác, Việt Nam không thiếu loại gạo ngon".

Chuyên gia hàng đầu về lúa gạo Việt Nam tiết lộ, cuộc thi gạo ngon nhất năm nay tại Mỹ được thực hiện trực tuyến. Điều này khác với mọi năm, người tham dự cuộc thi phải đóng hơn 500 USD/người (hơn 11 triệu đồng). Chính vì vậy, việc đi thi lần này khá rủi ro cho các nước tham gia, bởi đánh giá gạo ngon nhất, nhì hay thứ ba chỉ ở cảm nhận của người đánh giá, đôi khi chỉ lệch nhưng chút xíu.

Doanh nghiệp "dở khóc, dở cười"... vì hạng nhì

Ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Công ty Vina T&T cho biết, việc gạo ST25 đi thi giải gạo ngon thế giới và đạt giải nhì đã khiến việc kinh doanh của công ty có nhiều thay đổi.

"Những bao bì mà chúng tôi in dòng chữ "gạo ngon nhất thế giới" sẽ phải điều chỉnh lại là "gạo ngon nhất thế giới năm 2019". Việc quảng bá gạo ST25 sẽ không được thuận lợi như trước vì đã mất đi danh hiệu "nhất thế giới". Điều này cũng đồng nghĩa với việc gạo của Thái Lan sẽ vươn lên vì Thái Lan đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2020", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, mỗi tháng, các đối tác tại Mỹ đặt hàng ở công ty ông khoảng 400 tấn gạo ST25. Giá bán lẻ gạo ST25 tại Mỹ là 50 USD/50 Pound (1,15 triệu đồng/22,6kg), tức khoảng gần 51.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong tương lai, gạo ST25 sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại gạo khác, đặc biệt là gạo của Thái Lan.

"Gạo ST25 về nhì, tôi cũng rất buồn. Đáng lẽ nên đưa gạo ST24 hoặc một loại gạo ngon nào đó chưa có giải đi thi thì phù hợp hơn. Dù là cá nhân hay tổ chức nào đưa gạo đi thi thì giải thưởng đó cũng đại diện cho cả ngành gạo của Việt Nam. Việc đưa loại gạo nào đi thi cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn", ông Tùng chia sẻ.

Ông Phạm Thái Bình, đại diện Công ty Trung An cũng nhận xét: "Chẳng ai lại mang gạo ngon nhất thế giới đi thi tiếp như vậy để cuối cùng đạt giải nhì. Được giải nhất rồi thì đem gạo khác đi thi có sao đâu, ai lại mang ST25 đi thi tiếp. Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo tôi cũng cảm thấy vừa bực mà vừa buồn cười với cách làm này của các nhà quản lý. Đúng là câu chuyện "dở khóc dở cười".

Tuy vậy, cũng có nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chưa bị ảnh hưởng bởi tin tức này. Giá gạo ST25 đang ở mức 34.000 đồng/kg.

VFA nói gì về việc đưa gạo ST25 đi thi?

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc gạo ST25 đứng thứ 2 thế giới vẫn khẳng định loại gạo này có chất lượng ngon ổn định với vị thế hàng đầu thế giới. Thành tích của gạo ST25 vào năm 2019 không phải là may mắn, đó là thực lực của ST25.

Theo ông Nam, thành tích đứng thứ 2 vẫn là tin vui của ngành gạo Việt Nam và không nên xem đây là sự xuống hạng của gạo ST25. Bởi, gạo Thái Lan là giống lúa mùa, canh tác dài ngày với thành tích nhiều năm liền giành giải gạo ngon nhất thế giới. Trong khi gạo ST25 của Việt Nam là gạo cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, ST25 mới tham gia cuộc thi đã giành giải nhất năm 2019 và giải nhì năm 2020.

"Về nguyên tắc, VFA chọn những loại gạo ngon nhất Việt Nam hiện tại mang dự thi để có kết quả tốt nhất. Gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất Việt Nam năm 2019 nên mang dự thi là đương nhiên. Ngoài ra, 3 mẫu gạo ngon khác của Việt Nam năm 2020 gồm một mẫu gạo đạt giải nhì và 2 mẫu gạo đạt giải ba cũng tham gia cuộc thi thế giới năm nay nhưng không có giải. Cũng như Thái Lan, năm nào họ cũng dự thi với giống gạo Hom Mali", ông Nam chia sẻ.

Ban Tổ chức Cuộc thi Gạo ngon Thế giới: ST25 đạt giải nhì, thậm chí không có giải là bình thường

Về vấn đề nói trên, bà Phan Mai Hương - Giám đốc phát triển kinh doanh, đại diện The Rice Trader tại Việt Nam đánh giá rằng, năm nay đạt giải nhất, năm sau đạt giải nhì hoặc thậm chí không có giải; điều đó hết sức bình thường với các cuộc thi gạo ngon do The Rice Trader tổ chức.

"Năm nay đã là năm thứ 12 chúng tôi tổ chức cuộc thi này. Ngay cả gạo Hom Mali của Thái của vậy, có những năm được giải nhất, có những năm tụt hạng. Chuyện này rất bình thường" - bà Hương cho hay.

Gạo mỗi năm có sự thay đổi về chất lượng, cùng một thời điểm, nhưng điều kiện canh tác khác nhau, khí hậu khác nhau liên quan khâu trồng trọt thì cho ra chất lượng khác nhau. 

Ngay cả cùng một giống, vụ đông xuân và hè thu cũng cho chất lượng khác nhau, nên năm nay đạt giải, nhưng năm sau đạt giải thấp hơn hoặc thậm chí không có giải cũng hoàn toàn bình thường.

Bà thông tin thêm, gạo Hom Mali của Thái Lan năm 2017 đạt giải nhất. Sang năm 2018, họ cũng mang Hom Mali đi thi và chỉ đạt giải nhì, thua Campuchia. Năm 2019, gạo Việt Nam giải nhất vượt mặt Hom Mali và đến năm nay, Hom Mali sau 3 năm bền bỉ mới quay về được vị trí giải nhất.

Bà Phan Mai Hương, tiêu chí khi chấm gạo ngon nhất thế giới, thứ nhất là cảm quan, nhìn hạt gạo trước khi nấu, tức yếu tố về kỹ thuật. Thứ hai là vị sau khi nấu như thế nào. Yếu tố thị trường cũng được lưu ý, sản phẩm có thu hút không, có đủ sản lượng, phù hợp trồng nhiều vùng hay không. Đây là tất cả yếu tố The Rice Trader quan tâm chứ không phải cảm quan, gạo ngon, gạo đẹp.

Gạo của các nước được mã hóa để đảm bảo tính khách quan nên khi chấm, đầu bếp không biết được gạo nào là của nước nào. Cộng với điểm yếu tố thị trường sẽ ra bảng điểm cuối cùng.