Thành phố cảng Colombo, Sri Lanka: Dubai mới hay tiền đồn của Trung Quốc?
(Dân trí) - "Người thay đổi cuộc chơi kinh tế" là cách mà các quan chức Sri Lanka mô tả về thành phố cảng Colombo, một đô thị mới nhô lên trên mặt nước dọc theo bờ biển của thủ đô Sri Lanka.
Bên cạnh những khu thương mại rợp bóng cây, một bãi cát rộng được khai thác từ biển khơi đang đưa Colombo trở thành một thành phố công nghệ cao, nơi có trung tâm tài chính quốc tế offshore, khu dân cư và một bến du thuyền, như Dubai, Monaco hay Hồng Kông.
Nói với BBC, ông Saliya Wickramasuriya, một thành viên của Ủy ban Kinh tế Thành phố Cảng Colombo cho biết: "Vùng đất hoang này mang lại cho Sri Lanka cơ hội vẽ lại bản đồ và xây dựng một thành phố có quy mô và chức năng đẳng cấp thế giới, cạnh tranh được với Dubai hay Singapore".
Tuy nhiên, một số nhà phê bình đặt câu hỏi liệu Sri Lanka sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi kinh tế đến mức nào?
Đầu tiên, để có được diện tích đất mới rộng 2,6 km2, nước này cần đến Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) đầu tư 1,4 tỷ USD. Đổi lại, công ty này được hưởng 43% với hợp đồng thuê đất 99 năm.
Các quan chức nước này tính toán sẽ mất khoảng 25 năm để hoàn thành dự án này. Đây cũng là dự án đầu tiên thuộc dạng này tại Nam Á.
Sri Lanka cho biết đất đai thuộc quyền kiểm soát của họ và khu vực được giao cho người Trung Quốc sẽ cho các công ty đa quốc gia, ngân hàng và các công ty khác thuê. Chính phủ nước này sẽ tính thuế đối với doanh thu của họ.
Sẽ có khoảng 80.000 người sống tại thành phố mới này. Sri Lanka sẽ miễn thuế cho những người đầu tư và kinh doanh ở đó. Tất cả các giao dịch trong đặc khu kinh tế này bao gồm cả tiền lương sẽ bằng đồng USD.
Dự án thành phố cảng Colombo được chính thức công bố trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2014, một năm sau khi ông khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường với tham vọng xây dựng các liên kết cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, hàng hải trên khắp châu Á và châu Âu nhằm thúc đẩy thương mại.
Vào thời điểm đó, ông Mahinda Rajapaksa đang là Tổng thống Sri Lanka, tuy nhiên sau đó ông đã không trúng cử trong cuộc bầu cử cuối năm đó do lo ngại về các khoản vay Trung Quốc, đặc biệt là với dự án cảng ở phía nam Hambantota - một vấn đề mà cử tri nước này quan tâm lúc đó.
8 năm sau, ông Rajapaska giờ là Thủ tướng Sri Lanka, trong khi em trai ông là Gotabaya là Tổng thống. Nhưng cảng Hambatota giờ không còn nằm trong tay Sri Lanka. Dưới thời chính phủ cũ vào năm 2017, Sri Lanka đã bàn giao cảng này cho Trung Quốc kiểm soát sau khi chật vật trả nợ cho các công ty Trung Quốc.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi không phải ai ở Sri Lanka cũng hào hứng với những chia sẻ về dự án của quan chức thành phố cảng Colombo. Mối quan tâm của họ với kế hoạch này là rất nhiều trong đó bao gồm cả những tác động về môi trường. Những người khác lại lo ngại sự phát triển này sẽ không lại lợi ích cho đất nước như những người ủng hộ đề xuất.
Ông Deshal de Mel, một chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Verite, cho biết một điểm tiêu cực tiềm ẩn quanh dự án cảng này là khả năng việc miễn thuế đối với một số nhà đầu tư sẽ lên đến 40 năm. "Việc nhượng bộ thuế lớn này không làm tăng tổng nguồn thu thuế của Sri Lanka", ông nói.
Ngoài ra, chế độ thuế này sẽ gây ra những lo ngại khác. Mỹ từng cảnh báo rằng môi trường kinh doanh thoải mái có thể trở thành thiên đường của những kẻ rửa tiền. Tuy nhiên, ông Mohamed Ali Sabry, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka, lại không đồng tình với quan điểm này.
Nói với BBC, ông Mohamed Ali Sabry khẳng định không thể xảy ra và nếu có cũng không thể thoát được vì "chúng tôi có hoạt động chống rửa tiền và có đơn vị tình báo tài chính".
Việc dấu chân của Trung Quốc ngày càng tăng ở Sri Lanka cũng là một nỗi lo ngại đối với Ấn Độ. Thành phố cảng này đặt mục tiêu thu hút các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư đã có trụ sở tại Ấn Độ. Điều này khiến cho đầu tư và việc làm của Ấn Độ có thể bị tác động.
Nhưng có lẽ lo ngại lớn nhất là liệu về lâu về dài thành phố cảng Colombo có thể trở thành tiền đồn của Trung Quốc như cảng Hambantota hay không?
Nói với BBC, nghị sĩ đảng đối lập Rajitha Senaratne cho biết: "Hiện tại theo cách mà chính phủ đã đồng ý với Trung Quốc thì Trung Quốc đã tiếp quản toàn bộ mọi thứ ở thành phố cảng này. Một ngày nào đó, Sri Lanka sẽ thực sự không còn tiếng nói nào trong dự án này".
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc Zhou Bo lại không cho như vậy. Theo ông, mục tiêu là cả 2 nước đều có lợi.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc không phải là một tổ chức từ thiện. Chúng tôi muốn đôi bên cùng có lợi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cũng muốn các khoản đầu tư của mình mang lại lợi nhuận kinh tế", ông Zhou hiện làm việc tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nói và khẳng định: "Trung Quốc không có ý định bẫy nợ bất kỳ quốc gia nào".
Có cùng quan điểm này, ông Saliya Wickramasuriya cho biết: "Toàn bộ khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát chủ quyền của Sri Lanka. Quyền tuần tra, cảnh sát, nhập cư và các vấn đề an ninh quốc gia khác thuộc về chính phủ Sri Lanka".
Nhưng Sri Lanka đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Đại dịch đã tàn phá ngành du lịch vốn là nguồn thu lớn của nước này và làm giảm việc làm ở nước ngoài khiến nguồn dự trữ ngoại hối sụt giảm nghiêm trọng. Nợ nước ngoài của nước này đã tăng lên hơn 45 tỷ USD, trong đó riêng nợ Trung Quốc khoảng 8 tỷ USD.
Trong khi đó, việc các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục hạ cấp tín nhiệm của nước này khiến cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế để vay thêm vốn của Colombo rất mong manh, ngoại trừ Trung Quốc dẫu có nhiều ràng buộc.