"Sốt" giá sầu riêng, thu gom cả trái non rồi "bôi nghệ" cho đẹp mã
Trước cơn sốt giá sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều tiểu thương sẵn sàng đổ tiền vào các nhà vườn để thu mua sầu riêng non lẫn chín.
Tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh, nhiều nông dân đang phấn khởi khi sầu riêng được mùa, cao giá.
So với đầu vụ thì thời điểm hiện tại, một số loại sầu riêng chất lượng cao được thu mua với giá 54 ngàn đồng/kg – mức giá kỷ lục nhiều năm.
Bà Lê Thị Vọng (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Păk) cho biết, chỉ cách đây gần 1 năm, đa phần nông dân gần như điêu đứng vì sầu riêng vừa mất mùa, vừa mất giá thì năm nay, điều đó đã không lặp lại.
“Không chỉ cho năng suất cao mà nhiều vườn sầu riêng đều xuất bán trái to. Dự kiến mỗi ha sầu riêng, nông dân chúng tôi có thể thu đến gần tỉ đồng” – bà Vọng chia sẻ
Ông Nguyễn Ngọc Sâm (trú phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) trồng gần 2 ha sầu riêng, dự kiến năm nay sẽ bán được hơn 1 tỉ đồng.
Không chỉ được giá mà nhờ được vụ, năm nay nhiều người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk thu về tiền tỷ khi thương lái sẵn sàng đặt cọc hoặc thu mua cả sầu riêng còn non trên cây.
Chúng tôi có mặt ở vựa sầu riêng của chị M. tại km17, QL 26, đoạn qua huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), khi các công nhân tiến hành kiểm đếm, thu mua và nhập sầu riêng vào kho.
Bên ngoài, 3 nhân viên đang tận dụng những múi sầu riêng chưa hư hỏng, dập nát để bỏ tủ lạnh, làm kem. Tại đây, chúng tôi ghi nhận hàng ngàn trái bốc mùi, bị ép chín thối rữa…
Khi PV muốn mua vài quả để ăn, chị M. từ chối với lý do sầu riêng để bán chứ ăn không được(?). “Những trái ngon nhất bọn tôi đang đóng thùng để vận chuyển sang Trung Quốc” - chị M. cho biết.
Lý giải tình trạng sầu riêng hư hỏng nhiều như vậy, chị M. cho rằng khi thu hái, nhiều thương lái lo lắng không đủ số lượng với đơn hàng đã ký với khách nên hái hàng loạt.
Việc thu mua cả trái non khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sầu riêng. Ảnh: P.V
Điều đáng nói là tại một cơ sở thu mua sầu riêng cách đó không xa, chúng tôi ghi nhận cảnh những người làm công dùng một loại nước màu có màu vàng nghệ để tẩm đồng loạt sầu riêng hoặc bôi lên vết cắt cuống trái.
PV liên hệ chủ cơ sở để tìm hiểu về quy trình đóng gói sầu riêng nhưng không nhận được sự hợp tác. Theo một công nhân tại đây, sở dĩ sầu riêng được bôi nghệ là để trái và múi sầu riêng ngả màu vàng trông đẹp mắt. Tuy vậy, khi PV đề nghị cung cấp thứ nghệ này để bôi vào trái sầu riêng thì những nhân viên này từ chối.
Theo một chủ sầu riêng có tiếng tại huyện Cư Kuin: “Việc hái trái non buộc phải sử dụng thuốc thúc trái chín. Vấn đề là thứ thuốc đó có chất lượng và được kiểm định hay không thôi".
Theo H. L
Lao động