Soi tình hình hoạt động của công ty hợp tác sản xuất vắc xin với Vingroup

(Dân trí) - Tập đoàn Vingroup vừa ký kết với Tập đoàn Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 của Arcturus tại Việt Nam.

Soi tình hình hoạt động của công ty hợp tác sản xuất vắc xin với Vingroup - 1

Tập đoàn Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) sẽ chuyển giao độc quyền công nghệ cho VinBioCare sản xuất vắc xin Covid-19 của Arcturus tại Việt Nam. (Ảnh: SDBJ)

Theo thỏa thuận, Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare (một thành viên của Vingroup) tiến hành sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus). Vắc xin này có khả năng chống lại biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)… Tiến độ chuyển giao dự kiến bắt đầu từ tháng 8.

VinBioCare sẽ trả trước 40 triệu USD và chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. VinBioCare cũng sẽ thanh toán tiền thuốc mRNA do Arcturus cung cấp và tiền bản quyền sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Ông Joseph Payne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Arcturus, cho biết: "Chúng tôi vui mừng thông báo về quan hệ hợp tác này với Vingroup và hợp đồng này với công ty con VinBioCare để thành lập một cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19 với công suất lên đến 200 triệu liều mỗi năm. Chúng tôi mong muốn đóng vai trò ý nghĩa trong việc cung cấp vắc xin hiệu quả và an toàn cho Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới".

Được thành lập vào năm 2013 và có trụ sở tại San Diego, California (Mỹ), Arcturus Therapeutics là một trong những công ty hàng đầu về vắc xin và thuốc mRNA giai đoạn lâm sàng. Các liệu pháp RNA và vắc xin của Arcturus rất đa dạng, bao gồm vắc xin phòng chống SARS-CoV-2 và cúm…

Các công nghệ của Arcturus đã được cấp 222 sáng chế và đăng ký sáng chế tại nhiều nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác. Đối tác của Arcturus gồm các hãng dược phẩm Janssen Pharmaceuticals,  Johnson & Johnson, Ultragenyx Pharmaceutical, Takeda Pharmaceutical...

Arcturus Therapeutics cũng đang cùng với Trường Y Duke - Đại học Quốc gia Singapore (NUS) hợp tác phát triển loại vắc xin Covid-19 mới có tên ARCT- 021 được bào chế dưới dạng đông khô, giúp dễ dàng và ít tốn kém hơn trong việc phân phối và lưu trữ. Công ty đang đàm phán với cơ quan quản lý Mỹ để tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 của sản phẩm.

Nguồn thu chính của Arcturus là từ phí cấp phép và các khoản thanh toán hợp tác từ thỏa thuận nghiên cứu và phát triển với các đối tác dược phẩm và công nghệ sinh học. Tuy vậy, công ty hiện vẫn chưa có lãi. 

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I kết thúc vào tháng 3 vừa qua, Arcturus đạt doanh thu 2,13 triệu USD, cùng kỳ năm ngoái đạt 2,65 triệu USD.

Tổng chi phí hoạt động trong quý I của Arcturus là 59,8 triệu USD, tăng so với mức 12,1 triệu USD cùng kỳ năm ngoái và 33,3 triệu USD quý trước đó. Trong đó, chi phí sản xuất và thử nghiệm lâm sàng cho chương trình ARCT-021 cao hơn 17,2 triệu USD. 

Tuy vậy, tính đến ngày 31/3, số dư tiền mặt cuối kỳ của công ty đạt 466,9 triệu USD, tăng so với mức 463 triệu USD tính đến ngày 31/12/2020. Dựa trên kế hoạch hiện tại, Arcturus cho biết, lượng tiền mặt này đủ để hỗ trợ hoạt động của công ty trong 2 năm tới.

Ngay sau thông tin hợp tác với Vingroup, cổ phiếu ARCT của Arcturus Therapeutics đã tăng hơn 7% lên mức 33,63 USD, nâng vốn hóa của Arcturus Therapeutics lên 872,3 triệu USD.