1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sợ vay ngân hàng: Doanh nghiệp mượn tiền người thân, cổ đông

Lãi suất đã giảm rất nhiều nhưng các DN vẫn rất thận trọng khi vay vốn. Rất nhiều DN đã tìm mọi cách xoay vốn từ người thân, bạn bè hay cổ đông, chỉ đường cùng mới vay vốn NH.

Vay cá nhân hơn ngân hàng

 

Báo cáo quý I/2013 của Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) cho thấy, tính đến cuối tháng 3 doanh nghiệp này có vay ngắn hạn chủ tịch HĐQT Lê Xuân Hải và gia đình tổng số tiền trên 60 tỷ đồng.

 

Lãi suất khoản vay không được công ty công bố. Tuy nhiên, chi phí tài chính của doanh nghiệp này trong quý I giảm mạnh, chỉ còn 1,2 tỷ đồng, so với gần 12 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Cùng với sự tiết giảm hầu hết các chi phí trong kỳ khác, NVT đã có lãi hơn 10 tỷ đồng sau hai năm thua lỗ.

 

Bên cạnh đó, trong kỳ, NTV đã phát hành riêng lẻ thành công 30 triệu cổ phiếu cho Recapital Investments PTE. Ltd, dẫn đến lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng vọt gấp hơn 200 lần lên trên 230 tỷ đồng, được ghi nhận vào khoản tiền gửi ngân hàng. Với dòng tiền được cải thiện, vốn chủ sở hữu của NTV cũng tăng mạnh và đang ở mức khá an toàn nếu so với nợ.
 
Sợ vay ngân hàng: Doanh nghiệp mượn tiền người thân, cổ đông

 

Trước đó, Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 với một điểm đáng chú ý là tính tới cuối năm doanh nghiệp này còn vay các cá nhân thuộc HĐQT gần 130 tỷ đồng.

 

Giải trình vấn đề này, HQC cho biết do thiếu vốn trong hoạt động kinh doanh năm 2012, công ty có vay mượn tiền của ông Trương Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Diệu Phương (thành viên) số tiền lần lượt 77,8 tỷ đồng và 49 tỷ đồng, tổng cộng 127 tỷ đồng như đã nêu trong BCTC kiểm toán của công ty.

 

Hiện tượng doanh nghiệp vay vốn cá nhân để cải thiện khả năng thanh toán khi vay ngân hàng gặp khó gần đây khá phổ biến như trong trường hợp THV, BAS, TAS...

 

Không những thế, gần đây nhiều doanh nghiệp tập trung vào việc huy động hoặc dự định huy động vốn từ cổ đông, cán bộ công nhân viên, từ nhà đầu tư chiến lược... thay vì quá phụ thuộc vào ngân hàng như: TS4, MPC, TRA, VDS, DIG, SEC... bất chấp TTCK gần đây không mấy thuận lợi.

 

Với các doanh nghiệp làm ăn tốt như VCF, BMP, VNM, TCT, NNC, QTC, LHC..., khái niệm vay vốn ngân hàng gần như không có hoặc nếu có thì cũng khá mơ hồ. Các DN này không vay nợ ngân hàng hoặc vay nợ không đáng kể. Cso lẽ nhờ thế mà họ có được tình hình tài chính là lành mạnh

 

DN thay đổi cánh tìm vốn

 

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều năm qua cho thấy, không ít các doanh nghiệp đã sống dở chết dở do dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều (trong đó một phần không nhỏ là vay vốn ngân hàng) để mở rộng hoạt động, đầu tư phát triển nóng.

 

Hiện tượng này rõ rệt nhất với trường hợp của các doanh nghiệp BĐS. Thị trường BĐS phát triển nóng đã khiến các doanh nghiệp ồ ạt vay tiền để ôm đất, phát triển hàng loạt các dự án với lãi suất đi vay rất cao, lên đến trên dưới 20%/năm.

 

Vào lúc đó, hàng hóa bán được, giá nhà đất tăng chóng mặt, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp vẫn rất khả quan. Ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay với giá trị tín dụng khổng lồ. Tuy nhiên, không có cái gì thuận mãi. Nền kinh tế lao dốc nhanh chóng đã khiến các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, ngân hàng ngập chìm trong nợ xấu.

 

Hiện tượng vốn cho vay của hệ thống ngân hàng gần như không tăng trưởng (thậm chí nhiều lúc giảm) trong thời gian cả năm qua cho thấy một thực trạng là các doanh nghiệp không thẩm thấu được vốn, không dám vay vốn, trong khi ngân hàng cũng không sẵn sàng cho doanh nghiệp vay.

 

Lý thuyết cũng như thực tế tại nhiều nền kinh tế cho thấy, với lãi suất trên 13% không nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh có thể chịu nổi. Trong khi đó, dù lãi suất huy động được giảm khá nhanh, hiện đã về tới 7%, thậm chí về tới 6% nhưng lãi suất cho vay ra lại giảm khá chậm, dựa trên sức khỏe và sức chịu đựng của các ngân hàng. Lời hứa giảm lãi suất cho vay về mức 10 - 12%, lãi suất cũ về 13% chắc còn lâu mới thực sự ngấm vào nền kinh tế.

 

Trong khi đó, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng hiện nay lên tới 6% được cho là một khoảng cách quá lớn. Đó là chưa kể tới cho vay tiêu dùng - một biện pháp quan trọng để kích cầu và phục hồi nền kinh tế, vẫn ở mức cao chót vót, 16 - 20%/năm

 

Các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu lại tổ chức hoạt động. Việc thắt chặt các quy định cho vay là cần thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo các khoản cho vay hiệu quả, nợ xấu không tăng.

 

Tuy nhiên, hiệu quả còn nằm ở phía doanh nghiệp, cá nhân đi vay. Với lãi suất cao, hiệu quả của doanh nghiệp không được đảm bảo thì khả năng tiêu thụ vốn ngân hàng sẽ chững lại. Việc ngân hàng thắt chặt cho vay trên diện rộng có thể đã khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc không tiếp cận được vốn hoặc không dám tiếp cận vốn do lãi suất vẫn còn cao.

 

Khả năng giảm lãi suất cho vay nhanh hơn nữa có lẽ là cần thiết. Lãi suất giảm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thoát ra khỏi khó khăn và qua đó cũng chính là giúp các ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng về tương lai sẽ hướng nhiều về dịch vụ hơn là tập trung quá vào tín dụng. Thị trường vốn có thể sẽ nhanh chóng thay đổi về chất.

 

Theo Mạnh Hà

VEF