Báo động "đồng tiền cứ ngồi trong ngân hàng"

(Dân trí) - “Tôi không dám nói việc điều hành thời gian qua là giật cục nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ ra vấn đề đó. Cần chỉ ra khâu yếu kém, các cơ quan yếu kém, không phải để đặt nặng việc xử lý trách nhiệm mà để tạo sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề”…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không tránh những khía cạnh “gai góc” khi đề cập đến thực trạng nền kinh tế trong phiên thảo luận tại UB Thường vụ QH ngày 14/5.

“Đồng tiền vẫn ngồi trong ngân hàng”

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2013 rõ ràng có chuyển biến so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng hơn 4% là thấp so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% đặt ra cho cả năm 2013.

Ông Hiển băn khoăn vì không rõ nguồn vốn tập trung cho nền kinh tế đang chảy như thế nào khi có nghịch lý là tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng 4 tháng chỉ tăng 1,44% trong khi mức vốn huy động vẫn tăng hơn 5%. “Như vậy nghĩa ngân hàng đang ôm một lượng tiền lớn so với tiền chảy vào nền kinh tế. Mức độ hấp thụ vốn như vậy là rất yếu, rất chậm” – ông Hiển giải thích, muốn đạt mức tăng trưởng 1% thì tỷ lệ tăng dư nợ tín dụng tương ứng phải 2-3%. Như vậy cả năm muốn đạt mức tăng trưởng 5,5% thì tăng tín dụng phải đạt 14-15%. Đó là áp lực rất lớn đối với quý 2, 3.
 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Tình trạng nền kinh tế đã gần như đóng băng.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Tình trạng nền kinh tế đã gần như đóng băng".

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tán thành nhận định, bức tranh thực tế với rất nhiều khó khăn, thách thức đã rõ. “Tôi thấy tình trạng như này là gần như đóng băng rồi khi vốn đầu vào vẫn tăng hơn 5% mà vốn chảy ra chỉ nhúc nhắc 1%. Mức đó rõ ràng là báo động vì đồng tiền cứ ngồi trong ngân hàng nghĩa là sản xuất đã đình trệ” - bà Doan đề nghị tập trung xử lý bằng chính sách tiền tệ.

Phó Chủ tịch nước nêu lại câu hỏi, ngân hàng có dám mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ để khơi thông dòng tiền, cho vốn chảy được vào sản xuất.

Bà Doan trình bày: “Tôi không dám nói việc điều hành thời gian qua là giật cục nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ ra vấn đề đó. Việc đột ngột dừng, thắt chính sách khiến cho cả dây chuyền vận hành của nền kinh tế ngưng luôn”.

Phó Chủ tịch nước đánh giá, “các con số đều biết nói” và đã nói lên sự thật là mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay là quá khó khăn. Vấn đề là cần chỉ ra khâu yếu kém, các cơ quan yếu kém ở đâu, không phải để đặt nặng việc xử lý trách nhiệm mà để cùng “xúm lại, tạo sự đồng thuận, hướng giải quyết vấn đề”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng chia sẻ lo ngại về nguy cơ kinh tế đình trệ, không phát triển và đòi hỏi báo cáo chi tiết về vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu và tình hình thiếu vốn. “Phải tạo đà cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thì mới có nguồn thu, chứ nói mãi mà vẫn thế này thì rất khó”, ông Lý nói.

Các giải pháp về miễn, giảm, giãn thuế ông Lý đánh giá là chưa đủ lực để giải quyết khó khăn. Việc cấp bách là cần có giải pháp để tạo đà, giúp cho DN tiếp cận, nhận được vốn, để có điều kiện phát triển sản xuất.

Ghi nhận nỗ lực điều hành thị trường vàng của ngành ngân hàng vừa qua, đã linh hoạt “mua chỗ này, bán chỗ kia” để cải thiện tình hình nhưng vẫn chưa… đủ liều. Việc quản lý có tác dụng nhất định, giúp kéo giãn mức chênh giá vàng nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Ông Lý đề nghị Chính phủ làm thêm báo cáo riêng về việc quản lý thị trường vàng, trình UB Thường vụ xem xét ngay trong phiên họp này trước khi trình QH tuần tới.

Tán thành phân tích này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân để làm sao những khó khăn, trì trệ cho sản xuất kinh doanh, cho DN phải được tháo gỡ. Thực tế, theo bà Ngân, nợ xấu vẫn cao, hàng tồn kho không giảm, DN tiếp tục phá sản, 50% trong số còn đang hoạt động cũng báo lỗ. Ngân hàng huy động được tiền nhưng lại không cho vay được vì không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không doanh nghiệp nào đầu tư mở rộng làm ăn. Như vậy, rõ ràng, nguồn thu của ngân sách tiếp tục…tắc.

Chưa nhìn thấy “cửa” thu ngân sách
 
UB Thường vụ QH họp phiên thứ 18 với những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bắt đầu vào tuần tới.
UB Thường vụ QH họp phiên thứ 18 với những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bắt đầu vào tuần tới.

Về khả năng thu ngân sách năm 2013, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, dù NHNN đã nỗ lực trong thời gian qua, mức lãi suất huy động cũng đã được ghìm cương mạnh, thậm chí đã hạ xuống mức 6,5% nhưng giải ngân vẫn kém. Theo ông Hiển, vấn đề là do khả năng giải quyết đầu ra, tháo gỡ hàng tồn kho vẫn chưa có hiệu quả nhiều.

Ngoài ra, việc kiềm chế chỉ số tăng giá ở mức hơn 2,4% đến thời điểm này có nghĩa là lạm phát đã được khống chế nhưng Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách lại lo ngại ở góc độ khác. CPI tháng 4 giảm hẳn so với tháng trước. Điều đó, theo ông Hiển, chứng tỏ sức mua trên thị trường đang rất yếu, cũng là một áp lực lớn cho sản xuất.

Ông Hiển cảnh báo, khả năng các nguồn thu cho ngân sách năm nay đều chưa thấy hướng sáng sủa. Ông Hiển khái quát, tăng thu ngân sách năm 2012 đã giảm mạnh, chỉ bằng số lẻ của năm 2011. Còn năm nay phấn đấu đạt thu ngân sách như chỉ tiêu được giao đã rất khó khăn, nếu không muốn nói thực tế nhiều khả năng có thể hụt thu.

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách phân trần, sẽ đốc thúc các giải pháp để tích cực khai thác các nguồn thu nhưng thực tế, với tốc độ vận động hiện tại, mỗi tháng cả nước đang hụt thu không nhỏ. Kể cả nguồn thu từ dầu thô, nếu ổn định được sản lượng khai thác, dự kiến với mức giá đứng vững ở mốc 90USD/thùng thì vẫn khó bù được nguồn hụt thu nội địa.

Ông Hiển khuyến cáo phương án tiếp tục tiết kiệm chi. Tuy nhiên, việc cắt giảm 10% chi thường xuyên đã được áp dụng suốt thời gian qua, bàn đến việc giảm thêm % nào nữa cũng không đơn giản.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng băn khoăn vì chưa thấy nguồn thu cho năm 2013 khi hàng hóa tồn kho vẫn lớn, thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng… Giải pháp quan trọng nhất, theo ông Phúc là phải tập trung tháo gỡ cho được hàng tồn kho. Điểm mắc nhất là lãi suất vẫn cao, DN hầu hết chưa trả được nợ cũ, sao có thể vay mới. Nếu không gỡ được nút thắt này, tình trạng phá sản DN còn tiếp tục.

Chủ nhiệm UB Pháp luật phán đoán, việc giảm mạnh chỉ số giá tiêu dùng vừa qua là do tác động của chính sách tài chính tiền tệ. Một mặt, đó là hướng điều hành thành công. Tuy nhiên, ở mặt khác, chỉ số CPI hàng tháng lại có những diễn biển bất thường, có tháng giảm mạnh, có tháng lại tăng rất cao. Điều đó thể hiện sự bất ổn ở ngay trong chính sách.

P.Thảo

.