1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lợi nhuận nhà băng sụt giảm mạnh do… hạ lãi suất

(Dân trí) - Lợi nhuận các ngân hàng năm 2012 đang dần hé lộ. Nhiều ngân hàng vẫn báo lãi nhưng con số lợi nhuận sụt giảm rất mạnh. Cùng với khó khăn chung như nợ xấu “ăn mòn”, lợi nhuận nhà băng sụt giảm còn do… chính sách hạ lãi suất.

Kết thúc năm 2012, thị trường tiền tệ không còn không khí rôm rả “nhà nhà báo lãi khủng” như những năm trước đây. Thay vào đó là cảnh dè dặt công bố lợi nhuận, thậm chí nhóm đầu ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank… lợi nhuận thu về cũng giảm đáng kể.

Theo công bố lợi nhuận năm 2012 từ các ngân hàng, Vietinbank lãi trước thuế hơn 8.200 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ so với năm 2011; BIDV lãi trước thuế gần 4.260 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 5.544 tỷ đồng, giảm 6,6% so với năm 2011; ACB dự kiến lãi khoảng 1.200 tỷ đồng…

Ngân hàng Agribank không công bố con số cụ thể về lợi nhuận nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank: Năm 2012, Agribank có lãi, thu nhập của người lao động giảm chút ít. Đặc biệt, sau 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2012, Agribank sụt giảm gần 9.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi VND) của Agribank đạt 480.453 tỷ đồng, tăng 36.576 tỷ đồng (8,2%) so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ từ 8% - 10% đề ra năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 320.075 tỷ đồng, tăng 37.082 tỷ đồng (13,1%) so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay, cao hơn mức tăng dư nợ bình quân.


Lợi nhuận ngân hàng năm 2012 sụt giảm mạnh.
Lợi nhuận ngân hàng năm 2012 sụt giảm mạnh.


Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39% so với 31/12/2011 (cao hơn mức 8,91% của toàn ngành ngân hàng). Trong đó, dư nợ tín dụng VND có tốc độ tăng trưởng khá cao (16,2%), chiếm 72,83%; dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 0,27%, chiếm 27,17%.

Dư nợ tín dụng năm 2012 tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn chiếm 6,2% tổng dư nợ, tăng 14,3% so với cuối năm 2011; Tín dụng đối với xuất khẩu chiếm 10% tổng dư nợ, tăng khoảng 15%; Tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm 8,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 9,5%; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 15,36% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Thực hiện chủ trương về việc thực hiện cơ cấu lại nợ cũ, phân loại nợ, đến 31/12/2012, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã cơ cấu lại nợ cho 7.437 khách hàng với dư nợ 87.717 tỷ đồng; miễn lãi nợ cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng; Giảm lãi suất cho 16.503 khách hàng với dư nợ 41.475 tỷ đồng. Các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm, hiện nay, 80% tổng dư nợ có lãi suất nhỏ hơn 15%.

Còn theo NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 855.441 tỷ, tăng 76.400 tỷ so với năm 2011. Trong đó, 78% vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dư nợ tín dụng đối với 04 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 85.291 tỷ, với tổng số 22.966 doanh nghiệp vay vốn. Cụ thể, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn: 14.922 tỷ; Cho vay xuất khẩu: 17.480 tỷ; Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ: 47.716 tỷ; cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ: 5.173 tỷ đồng. Đến nay dư nợ với lãi suất dưới 15%/năm trên địa bàn chiếm 80% - 83% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM: Mặc dù đã và đang có tín hiệu tích cực hơn từ vấn đề nợ xấu trong những tháng gần đây (nợ xấu trên địa bàn giảm so với tháng trước 3.328 tỷ về số tuyệt đối và chiếm 5,5% tổng dư nợ; tỷ lệ này tháng 11/2012 là 6,22%); nợ xấu vẫn sẽ tác động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Nhất là các TCTD có nợ xấu cao, trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng, quá trình khai thác và sử dụng vốn tại các TCTD này.

Năm 2012, kết quả kinh doanh (chênh lệch thu nhập - chi phí) của các TCTD trên địa bàn TPHCM đạt 667 tỷ, giảm mạnh so với năm 2011 và chỉ bằng 4,4% so với cả năm 2011. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của ông Lâm, do một số TCTD kinh doanh lỗ, lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng; do lỗ từ hoạt động huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; ủy thác đầu tư và thất thoát vốn từ các vụ án phát sinh.

Trao đổi với báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến tháng 10/2012, số nợ được cơ cấu lại là 252.000 tỷ đồng. Các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro với mức dự kiến khoảng 90.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2012, đã trích lập được 78.000 tỷ đồng. Riêng về nợ xấu, các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng, nợ xấu đã “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng trong năm 2012. Các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, đây cũng chính là nguyên nhân khiến lương thưởng ngân hàng năm nay sụt giảm. Và theo Thông tư 02 của NHNN, kể từ ngày 1/6 tới, các tổ chức tín dụng phải tạo thêm nguồn để xử lý nợ xấu, tức là phải thêm chi phí, giảm lãi nhằm phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh vốn…

Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ tính toán hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD với lãi suất hợp lý.

Nguyễn Hiền