Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong khi NHNN đang nghiên cứu để ban hành sổ tay này, trên thực tế cũng đã có những ngân hàng đón đầu thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

Sổ tay có gì mới?

Ngày 24/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngày 06/08/2015, Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN.

Để từng bước đưa công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào hoạt động xem xét, phê duyệt cấp tín dụng của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong 10 ngành cụ thể (nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại) nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện để phục vụ cho công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng.

Theo NHNN, đến hết quý IV/2016, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 84.781 tỷ đồng (tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015; tăng 4,4% so với 30/9/2016), chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với khoảng 3,2 triệu hợp đồng tín dụng; dư nợ tín dụng đã đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỷ đồng với 129.083 hợp đồng tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.

Do vậy, mục tiêu ban hành sổ tay nhằm tăng cường nhận thức của các tổ chức tín dụng và các đối tượng liên quan về các quy định mới liên quan đến quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng và đầu tư. Sổ tay còn định hướng cho các TCTD xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia cần tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, xã hội và tiết kiệm năng lượng. Qua đó, giúp các TCTD giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngân hàng trách nhiệm với cộng đồng và môi trường

Trong khi NHNN đang nghiên cứu để ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trên thực tế cũng đã có những ngân hàng đón đầu thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Điển hình tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), ngân hàng này đã chính thức tham gia nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Environment Finance Initiative - UNEP FI), nhằm hướng đến mục tiêu phát triển của quốc gia trong việc góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong ngành tài chính, cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.


Khách hàng đến giao dịch tại ABBANK

Khách hàng đến giao dịch tại ABBANK

Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn cho biết: “Việc ABBANK chính thức trở thành thành viên của nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc - UNEP FI mang ý nghĩa quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của ngân hàng nói riêng và đóng góp vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nói chung. Đồng thời, đây cũng là tiền đề nghiên cứu một số sản phẩm thúc đẩy tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục tại ngân hàng, giúp chúng tôi tránh được các rủi ro về tài chính hoặc danh tiếng tiền ẩn trong quá trình hoạt động, từ đó góp phần nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường ngân hàng và đặc biệt là trong phân khúc tiềm năng này".

Đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của Chỉ thị 03/CT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 24/3/2015 với nội dung về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ABBANK chú trọng xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh với mục đích hướng tới các dự án đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Trong cơ chế vận hành, ngân hàng này đã và đang tích hợp quy trình quản lý rủi ro Môi trường – xã hội vào quy trình tín dụng hiện hành, ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án, hoạt động ngoài “Danh mục các hoạt động không cấp tín dụng/ Exclusion List”, đồng thời tiến hành phân loại danh mục các dự án theo mức độ rủi ro về môi trường – xã hội (cao – trung bình – thấp) thông qua bảng câu hỏi kiểm tra về môi trường nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về việc bảo vệ môi trường và xã hội.


Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn

Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn

Cụ thể, ABBANK đang tích cực triển khai 03 chương trình cho vay tiêu biểu dựa trên vốn ODA với các yêu cầu khắt khe về việc đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Trong đó, chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEFPIII) dựa trên nguồn vốn của JICA, chương trình cho vay tài chính nông thôn (RDFII) và chương trình cho vay phát triển nông nghiệp bền vững (VNSAT) mang mục tiêu đưa nguồn vốn của World Bank tới đối tượng doanh nghiệp ngành.

Ngoài ra, ABBANK hiện là thành viên chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu của IFC (GTFP). Theo đó, các giao dịch liên quan đến tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo được khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về giá khi được tài trợ trong khuôn khổ chương trình này. Đồng thời, ngân hàng cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về việc bảo vệ môi trường, xã hội trong suốt quá trình tham gia.

Giám đốc toàn cầu của UNEP FI - Ông Eric Usher, đánh giá rất cao việc ABBANK trở thành thành viên của tổ chức và tin rằng ABBANK sẽ là một ví dụ điển hình tiên tiến đối với các tổ chức khác trong việc nhận thức tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.