Số phận Thông tư 20 vẫn chờ phán quyết

(Dân trí) - “Việc giải thích yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng không phải là “điều kiện kinh doanh” hay là thành phần khác của thủ tục hành chính là do Bộ Công Thương thực hiện vì Bộ Công Thương ban hành văn bản pháp luật này”, Bộ Tài chính cho biết.

Yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh” hay là thủ tục hành chính còn chờ Bộ Công Thương xác nhận.
Yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh” hay là thủ tục hành chính còn chờ Bộ Công Thương xác nhận.

Chờ Bộ Công Thương định đoạt

Theo nguồn tin của Dân trí, Văn phòng Chính phủ vừa nhận văn bản của Bộ Công Thương về Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, có ý kiến đối với đề xuất của doanh nghiệp liên quan tới Thông tư 20.

Một số doanh nghiệp cho rằng, quy định tại Thông tư số 20 về yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh”, không phải thủ tục hành chính và như vậy phải hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa được nhập xe. Bộ Công Thương cần tuyên bố hết hiệu lực Thông tư này để doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu.

Là một cơ quan liên quan, Bộ Tài chính có quan điểm cho rằng, khoản 3 điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015 đã quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh.

Khoản 3 điều 73 Luật Đầu tư 2014 quy định “điều kiện đầu tư minh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trái với quy định tại khoản 3 điều 7 của luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.

Theo Bộ Tài chính, nếu yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh” thì quy định này của Thông tư 20 đương nhiên hết hiệu lực, không có giá trị pháp lý bởi quy định nêu trên của Luật Đầu tư 2014.

“Việc giải thích yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng không phải là “điều kiện kinh doanh” hay là thành phần khác của thủ tục hành chính là do Bộ Công Thương thực hiện vì Bộ Công Thương ban hành văn bản pháp luật này”, Bộ Tài chính cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bổ sung thông tin rằng, ngày 22/11/2016 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Trong đó, nhập khẩu xe ô tô được bổ sung vào danh mục này và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Từng nhiều lần tranh cãi về Thông tư 20

Liên quan tới Thông tư 20, tại cuộc họp với các thành viên Chính phủ hôm 31/8 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Thông tư 20 có những việc không tốt và bỏ Thông tư 20 thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn các vấn đề thị trường và xã hội phát sinh".

Theo Thủ tướng: "Chúng ta cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước".

Phát biểu tại hội nghị đầu tháng 9 sau đó, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho biết: “Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô, theo quy định là từ 1/7 hết hiệu lực. Đến hôm nay đã hết hiệu lực gần 3 tháng, nhưng doanh nghiệp chúng tôi muốn nhập ô tô cũng không nhập được. Điều này khiến doanh nghiệp tuột mất cơ hội làm ăn cuối năm”.

“Đến bao giờ quy định này sẽ hết hiệu lực để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch kinh doanh? Và việc kìm giữ quy định trên có phải đang nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp lớn và gạt doanh nghiệp nhỏ ra ngoài? Liệu có lợi ích nhóm khiến một chính sách dù bị phản đối và đáng lý đã hết hiệu lực, vẫn được kéo dài gây khó cho doanh nghiệp?", ông Tuấn đặt câu hỏi.

Còn theo ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà: "Doanh nghiệp tôi cũng là một trong những “nạn nhân” của Thông tư 20. Tôi muốn hỏi lãnh đạo Bộ Công Thương vậy Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh? Nếu là điều kiện thì cần phải xoá bỏ để doanh nghiệp có phát triển theo thị trường".

Trả lời những búc xúc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, giữa tháng 8 cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng và đến nay vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ về “số phận” văn bản này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, Thông tư 20 không phải điều kiện đầu tư kinh doanh và việc Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ Thông tư 20 là vì bất hợp lý chứ không phải do văn bản bất hợp pháp. Việc tới nay văn bản này vẫn còn hiệu lực được Thứ trưởng lý giải là do Thông tư 19/2012 của Bộ Giao thông Vận tải đã được bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014, trong tình huống này không còn văn bản nào quy định trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu.

Thông tư 20 được ban hành vào năm 2011 trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước thường xuyên xảy ra tình trạng: ồ ạt nhập ô tô về bán khiến cung vượt cầu, lượng ô tô tồn kho ngày một nhiều. Theo đó, các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chính vì những quy định này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

Đến ngày 18/8, trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư 20 không trái luật, có mục tiêu chính đáng. Bộ Công Thương lý giải, văn bản trên không nhằm "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" mà chỉ mang mục đích "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20 và chỉ đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.

Tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có dự thảo thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, trong đó có quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Theo đó, hồ sơ nhập khẩu buộc phải có “bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải được chú ý với các điều khoản có tính chất kéo dài những điều kiện của Thông tư 20 khi tiếp tục trao một “thương quyền quá lớn” cho nhà sản xuất tại nước ngoài, mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Phương Dung