Số phận khối tài sản hơn 40.000 tỷ đồng trong tay bầu Đức nay ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - “Tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020” - bầu Đức tuyên bố. Khối tài sản này đã tăng gần 1.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm và đã có lãi trong quý 2.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý 2/2020, một kỳ kinh doanh khó khăn với phần lớn doanh nghiệp Việt, song tập đoàn của bầu Đức vẫn khiến cổ đông và nhà đầu tư bất ngờ.

Số phận khối tài sản hơn 40.000 tỷ đồng trong tay bầu Đức nay ra sao? - 1

Công ty của bầu Đức đã có lãi ròng trở lại trong quý 2/2020

Cụ thể, trong quý 2 năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đạt được 636,2 tỷ đồng doanh thu thuần dù bị giảm trừ doanh thu hơn 10,7 tỷ đồng. Con số này tăng 24% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu của HAG, doanh thu trái cây đóng góp 525 tỷ đồng (tăng 117 tỷ đồng so với cùng kỳ) do diện tích thu hoạch trái cây tăng. Doanh thu bán mủ cao su cũng tăng 22 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng doanh thu thì giá vốn hàng bán cũng tăng rất mạnh gần 42% khiến tỷ suất lợi nhuận gộp bị giảm sút còn 19,58% so với mức 29,52% của cùng kỳ.

Điểm tích cực là doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng hơn 35% lên 267,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại giảm 28,5% còn 286,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 29 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm hơn 127 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nhờ vậy, mặc dù trong quý 2 năm nay, HAG vẫn lỗ thuần 94,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh nhưng mức lỗ đã thu hẹp đáng kể so với con số lỗ 342,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ có khoản lợi nhuận khác đạt 32,2 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ tiêu này bị âm 361,5 tỷ đồng) nên công ty của bầu Đức chỉ còn lỗ trước thuế 61,9 tỷ đồng (giảm so với mức lỗ 704 tỷ đồng của quý 2/2019) và lỗ sau thuế là 64,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 727,6 tỷ đồng).

Trong văn bản giải trình gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo HAG cho hay, khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này chủ yếu do chi phí lãi vay và chi phí vận chuyển cao. Còn lãi khác là nhờ có hoàn nhập một số chi phí dự phòng đã trích từ năm 2016 đến năm 2019.

So với cùng kỳ, chi phí khác của HAG đã giảm 336 tỷ đồng do trong quý 2/2019, HAG đã thực hiện đánh giá các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh đầu tư vườn cây cao su, cọ dầu vào chi phí do chuyển đổi mục đích trồng cây ăn trái. Khoản chi phí này không phát sinh trong quý 2/2020.

Khoản lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sau khi loại bỏ khoản lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát (lợi nhuận ròng) đạt 10,46 tỷ đồng, một con số rất đáng ghi nhận với HAG. Cùng kỳ, HAG bị lỗ ròng tới 547 tỷ đồng.

Số phận khối tài sản hơn 40.000 tỷ đồng trong tay bầu Đức nay ra sao? - 2

Biến động kết quả kinh doanh của HAG (Đồ hoạ: Mai Chi - nguồn: BCTCHN, đơn vị: tỷ đồng)

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAG đạt 1.469,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh hơn 59% so với cùng kỳ; giảm lỗ trước thuế từ 683,65 tỷ đồng xuống còn 130,2 tỷ đồng; lỗ sau thuế hợp nhất cũng thu hẹp từ 706,1 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn 131,9 tỷ đồng.

Theo đó, nửa đầu năm nay HAG vẫn lỗ ròng 47,8 tỷ đồng nhưng đã cải thiện so với mức lỗ ròng 516,5 tỷ đồng của nửa đầu năm ngoái.

Tại ngày 30/6/2020, HAG có 40.317,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 1.685 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, giá trị tài sản ngắn hạn tăng 741 tỷ đồng lên 7.815 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của HAG vẫn thấp hơn nợ ngắn hạn của công ty này tại cùng thời điểm. Đến cuối tháng 6, nợ ngắn hạn của HAG là 9.227,1 tỷ đồng trong tổng số 24.339,7 tỷ đồng tổng nợ phải trả.

Nêu thông điệp với cổ đông tại báo cáo thường niên mới phát hành ít tháng trước, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết, cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nguồn lao động cho đến nguồn cung ứng vật tư, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ…

Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó đoán được thời điểm kết thúc, bầu Đức cho hay, HAG đề ra mục tiêu cho năm 2020 là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả đang có, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, tích cực phòng chống dịch, giữ gìn sức khoẻ cho người lao động, giữ vững an ninh trật tự vùng dự án và duy trì kênh phân phối, giữ mối quan hệ với khách hàng.

Bên cạnh đó, HAG sẽ tiến hành bàn bạc với các ngân hàng để thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để ứng phó với những khó khăn và hậu quả của dịch.

“Tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020” - bầu Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, ban lãnh đạo tập đoàn này tin tưởng rằng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ hồi phục. Ngành nông nghiệp cây ăn trái tạo ra các sản phẩm thiết yếu nên sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được tái khởi động.

“Với phương châm giữ ổn định sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài chính để thích ứng khó khăn, và với các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ thì Tập đoàn HAGL sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho người lao động và duy trì, giữ gìn khối tài sản to lớn cho cổ đông” - bầu Đức hứa hẹn.